Tích cực khắc phục điểm sạt lở trên QL.43
Sau cơn bão số 3, nhiều điểm trên tuyến QL.43 bị sạt lở taluy âm, taluy dương gây ảnh hưởng đến giao thông. Xác định bảo đảm an toàn giao thông là một nhiệm vụ cấp thiết CTCPĐB 224 đã tập trung khắc phục hư hỏng, nhanh chóng ổn định tình hình giao thông, đảm bảo đi lại cho người dân được an toàn.
Hiện nay, trên tuyến QL.43 xuất hiện hàng chục điểm sạt lở khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn. CTCPĐB 224 thi công trên đường đang huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, căng dây cắm biển cảnh báo, rào chắn, hót dọn, bảo đảm giao thông… Thời điểm PV Banduong.vn có mặt, máy móc và công nhân đang tích cực hót dọn, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện giao thông trên đường.
Anh Đinh Văn Mừng 1 lái xe giao hàng thường xuyên qua tuyến QL.43 chia sẻ “tôi thường xuyên đi qua tuyến này nhưng chưa bao giờ cảm thấy nguy hiểm và khó khăn như đợt mưa lũ vừa qua, rất nhiều điểm sạt lở taluy dương, âm, nhiều lúc tắc hàng giờ đông hồ trên đường, rất mong cơ quan chức năng khắc phục sửa chữa để người dân cũng như các phương tiện được đi lại dễ dàng”.
Trao đổi với PV Banduong.vn, ông Lữ Bảo Kiếm, Giám đốc CTCPĐB 224 cho biết. Do tình hình mưa bão kéo dài từ ngày 01/9 đến ngày 30/9, từ Km27 - Km119 trên QL.43 đã xảy ra 417 vị trí sạt lở đất đá bên mái taluy dương, sa bồi, 8 vị trí sạt taluy âm, 28 vị trí xói hỏng lề đường.
Cụ thể từ Km27 - Km119 sạt lở từ taluy dương, sa bồi với khối lượng 36.404,13 mét khối. Hiện tại đơn vị đã thi công xong đoạn Km87 - Km119, đoạn Km27 - Km80+715, huy động tập trung nhân lực máy xúc để thi công nhiều điểm sạt lở còn lại. 8 điểm sạt taluy âm tổng chiều dài 116m, hiện tại đơn vị đã mở đường vào phía taluy dương (đối với đoạn sạt lở mặt đường trên dưới 4m) 28 vị trí xói hỏng lề đường khối lượng 226,90 mét khối, đơn vị đang tiến hành đắp lại các vị trí xói lở.
Ông Kiếm cho biết thêm, hiện tại đơn vị đang tập trung nguồn lực máy xúc nỗ lực để đảm bảo giao thông thông xuất, cắm biển báo, rào chắn các vị trí sạt lở, nhiều vị trí đang chờ phương án thiết kế để khắc phục hoàn trả. Với địa hình đồi núi, nguy cơ sạt lở tại các tuyến đường trên địa bàn vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, để chủ động ứng phó mọi tình huống, bảo đảm mạng lưới giao thông an toàn, thông suốt, đồng thời rà soát xác định các vị trí hư hỏng nặng để đề xuất giải pháp, quy mô và kinh phí khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.
Hiện, các điểm sạt lở do mưa lũ trên tuyến đường đã cơ bản được khắc phục, thông tuyến. Để ứng phó với tình huống thiên tai bất thường, các địa phương cần có phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, máy móc, sẵn sàng xử lý khắc phục khi có các tình huống xảy ra. Ngoài sự chủ động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, người dân cũng cần cảnh giác, đề phòng sạt lở khi tham gia giao thông.