Ngăn chặn hiện tượng thuê giấy phép lái xe để đối phó phạt “nguội"
Cũng như ở nhiều địa phương khác, hiện ở tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện tình trạng thuê Giấy phép lái xe để đối phó với phạt “nguội”, trốn tránh nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt.
Biện pháp xử lý vi phạm “nguội” trong lĩnh vực giao thông được cơ quan chức năng áp dụng ngày càng phổ biến. Để đối phó với việc bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn, ở tỉnh Bắc Giang nhiều người đã tìm đến dịch vụ cho thuê bằng lái. Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm cho thuê GPLX. N.V, một thành viên của nhóm cho thuê GPLX có địa chỉ ở thị trấn Kép (huyện Lạng Giang) cho biết, anh có GPLX ô tô hạng C, vợ anh có bằng lái hạng B2. Nếu ai đó có thông báo bị phạt “nguội” thì anh sẽ có “cách” để giải quyết. Cái “ cách” đó là coi như hôm đó N.V mượn xe của người bị phạt. Cơ quan chức năng không có hình ảnh mặt người vi phạm, chỉ có hình ảnh phương tiện chạy quá tốc độ nên N.V nhận là người mượn xe, ký nhận toàn bộ giấy tờ, còn người vi phạm vẫn giữ lại được GPLX để đi lại hằng ngày.
Theo quy định, quy trình phạt “nguội” được tiến hành theo trình tự: Phát hiện vi phạm giao thông (CSGT phát hiện vi phạm thông qua thiết bị ghi hình các xe trên đường, qua hệ thống giám sát tự động hoặc từ các thiết bị khác); kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm (xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm); thông báo cho người điểu khiển phương tiện vi phạm; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm và cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ. Theo đó, việc xác minh ai là người điều khiển phương tiện khi vi phạm dựa trên hình ảnh ghi lại thông qua thiết bị ghi hình và việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu từ hệ thống camera quan sát, nhận dạng với độ chính xác cao.
Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Phòng lập biên bản xử lý hơn gần 6 nghìn trường hợp, trong đó thông qua hệ thống camera đã phát hiện, gửi thông báo hơn 500 trường hợp, xử phạt “nguội” hơn gần 2 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát giao thông đã nắm được chiêu trò cho thuê, cho mượn GPLX này. Để ngăn ngừa, Phòng CSGT đã phổ biến một số giải pháp đến các cán bộ trực tiếp xử lý và công an các huyện, thị xã, TP. Khi người điều khiển phương tiện giao thông đến các đơn vị thực hiện giải quyết vi phạm theo thông báo phạt “nguội”, CSGT sẽ kiểm tra, lập biên bản xác minh vụ việc sau đó cho đóng phạt. Cơ quan công an kiểm tra, đối chiếu, xác minh vụ việc trước khi ra quyết định lập biên bản xử phạt. Người điều khiển phải thực hiện cam kết là người vi phạm, không thuê, nhờ người khác chịu phạt, bị tạm giữ GPLX thay.
Trong quá trình xử lý vi phạm “nguội”, cơ quan công an yêu cầu chủ xe xuất trình giấy tờ cho thuê, cho mượn hoặc tổ chức đối chất ba bên để xác định việc cho thuê cho mượn là có hay không. Cơ quan Công an cũng xác minh người đứng ra nhận là lái xe về đặc điểm phương tiện, địa điểm vi phạm, cung đường để xác định người đó có thực sự là người điều khiển phương tiện hay không. Nếu người vi phạm thuê hoặc mượn GPLX của người khác để nộp cho cơ quan xử lý là không đúng với quy định của pháp luật. Trường hợp xác minh được người điều khiển phương tiện cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt, “thế thân” bằng GPLX của người khác sẽ bị xem là tình tiết tăng nặng và bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Từ 1/6/2024, người cho mượn GPLS để đối phó với phạt”nguội” sẽ bị tước GPLX theo Khoản 14 Điều 4 của Thông tư 05/2024/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 31/3, có hiệu lực từ 1/6/2024.
Việc thuê GPLX, nhờ người khác nhận thay vi phạm giao thông để không bị giữ GPLX là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hai bên. Việc này cần được các cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Giang ngăn chặn, xử lý kịp thời.