Khi nào doanh nghiệp vật liệu xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công?
Nhóm chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cơ hội hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong năm tới, song dự kiến chưa thể hiện vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Với mặt bằng lãi suất của Fed đang ở mức cao, tỷ giá neo cao thì lãi suất trong nước năm 2025 khó có thể giảm thêm. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay năm tới khả năng không còn ở mức thấp mà sẽ tăng nhẹ.
Bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng phòng Phân tích FiinGroup cho rằng năm 2024, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng đều đặn 20% so với cùng kỳ với động lực thúc đẩy tăng trưởng là xuất khẩu, cầu hồi phục với nhóm tiêu biểu là bán lẻ, du lịch giải trí, thực phẩm.
Câu chuyện tăng trưởng 2025 sẽ phụ thuộc nội lực trong nước nhiều hơn bên ngoài với lực kéo từ việc đẩy nhanh vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân dần cải thiện và thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục. Những doanh nghiệp được hưởng lợi từ động lực trên sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025.
Bên cạnh triển vọng lợi nhuận, định giá hợp lý cũng là yếu tố quan trọng để lựa chọn cơ hội đầu tư. Chuyên gia FiinGroup cho rằng từ 2020 đến nay, định giá nằm ở giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng mạnh nên khi đánh giá cần so sánh về mặt lịch sử. Hiện tại, mặt bằng định giá đang ở mức tương đương trung bình 5 năm. Tăng trưởng lợi nhuận dù đang trên đà hồi phục, song định giá “trả” cho giai đoạn tăng trưởng cao.
Ngân hàng được chuyên gia nhận định mặt bằng tăng trưởng lợi nhuận chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi sẵn có. Theo đó, ngành ngân hàng có thể hưởng lợi từ đầu tư tư nhân và tín dụng tăng trở lại. Mặt khác, nhóm ngân hàng cũng đang có mặt bằng định giá khá thấp, tương đương trung bình 5 năm và trung vị.
"Nhiều người lo ngại với Thông tư 02 không được gia hạn tiếp, song với nợ xấu đang ở quanh mức đỉnh trong khi nhiều ngân hàng cũng đang tích cực trích lập dự phòng, kỳ vọng tín dụng tăng trở lại và mặt bằng lợi nhuận ở mức thấp, tôi tin rằng ngân hàng sẽ là nhóm có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận và tái định giá trở lại trong năm 2025", chuyên gia FiinGroup nhận định.
Nhóm bất động sản cũng được đánh giá cao nhờ động thái tháo gỡ chính sách và sự hồi phục của thị trường bất động sản, song chuyên gia không quá kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, định giá hấp dẫn cũng là động lực hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này.
Với ngành xây dựng vật liệu, bà Vân cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cơ hội hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong năm tới, song dự kiến cuối năm 2025 mới thể hiện vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngành thép ngoài câu chuyện hồi phục từ đáy vẫn còn câu chuyện tăng trưởng nhờ xuất khẩu hay bất động sản hồi phục. Dù nhóm này đang có định giá đang thấp hơn trung bình 5 năm, nhưng vẫn cao hơn mức trung vị. Để định giá có thể về vùng hợp lý, lợi nhuận phải tăng trưởng 30-40% nhưng rất khó đạt được trên mức nền cao như năm 2024.
Nhóm bán lẻ cũng được kỳ vọng nhờ cầu tiêu dùng cải thiện mạnh hơn khi thu nhập người dân cải thiện, chu kỳ thay thế sản phẩm giúp doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng định giá nhóm bán lẻ đang ở mức cao hơn trung bình 5 năm và trung vị cho thấy kỳ vọng cao tương lai cho nhóm này. Để định giá về vùng hợp lý lợi nhuận nhóm bán lẻ phải tăng trưởng 40-50% trong năm 2025, nhưng xác suất này khó xảy ra nên nhóm này đang bị định giá khá đắt.