Khắc tinh của xe khách vi phạm
Sau này nếu có cơ chế xử phạt nguội thông qua thiết bị dữ liệu giám sát hành trình thì chỉ cần căn cứ vào đó để xét tính vi phạm. Như thế, đòi hỏi phầm mềm camera hành trình phải nâng cấp chi tiết và thông minh hơn.
CSGT hóa trang, ghi hình vi phạm
Những ngày cận và kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, hoạt động vận tải hành khách càng thêm nhộn nhịp nhưng cũng phức tạp hơn. Nhân dịp này, PV Banduong.vn có cuộc thị sát cùng Đội CSGT số 6, nhận thấy công tác phát hiện và xử lý vi phạm xe khách không hề dễ dàng, bởi các chủ xe và cánh tài xế có rất nhiều cách lách luật tinh vi.
Nắm bắt việc người dân đổ về các bến xe, lựa chọn xe khách làm phương tiện để trở về quê dịp Tết Nguyên đán Quý Mão này sẽ kéo theo đó tình hình vận tải xe khách có những diễn biến phức tạp (xe khách trá hình, bỏ bến, đón trả khách trái quy định, chạy như “rùa bò” xuất hiện nhiều hơn), Đội CSGT đường bộ số 6 đã thành lập nhiều tổ công tác để có thể kiểm soát được tình hình. Trong đó, đặc biệt mỗi tổ có một chiến sĩ hóa trang thực hiện ghi hình các trường hợp vi phạm, trực tiếp báo đàm cho đồng đội phía trên để dừng xe, xử lý.
Trong một tuần ra quân, Đội CSGT số 6 đã xử lý được 230 trường hợp với các lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định và đi dưới tốc độ tối thiểu cho phép… với tổng số tiền phạt là hơn 60 triệu đồng.
Trao đổi với PV Banduong.vn, Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết, tính riêng năm 2022, đơn vị đã kiểm tra xử lý 1.857 trường hợp xe khách, phạt thành tiền hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 1.857 bộ giấy tờ, tước GPLX 59 trường hợp. Trong đó, 30 trường hợp chạy quá tốc độ, 1.719 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 32 trường hợp đón, trả khách, 29 trường hợp chạy dưới tốc độ tối thiểu và các trường hợp vi phạm khác.
Cũng theo lãnh đạo Đội CSGT số 6, các xe khách chạy tuyến cố định, xe hợp đồng cố tình chạy với tốc độ từ 10 - 15km/h quanh khu vực bến xe Mỹ Đình để bắt khách gây cản trở giao thông. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, các nhà xe cố đón thêm 1 - 2 người khách hoặc nhận thêm hàng hóa gửi theo xe làm cho tuyến đường Phạm Hùng liên tục ùn tắc. Khi xuất hiện lực lượng chức năng xử lý, các nhà xe này sẽ thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội để thông báo cho nhau hoặc thuê đội ngũ xe ôm, cò mồi đi theo tổ công tác để tránh chốt, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Cần có phầm mềm lọc, xử lý xe khách vi phạm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, không có đủ nguồn nhân lực để xác định những vi phạm của từng đầu xe thông qua thiết bị giám sát hành trình bởi dữ liệu này phát sinh hằng ngày. Do đó, cần thiết phải có phần mềm để lọc những dữ liệu ghi nhận các vi phạm của các xe như vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của người lái xe hay chạy sai hành trình,...
Trên cơ sở các dữ liệu vi phạm của các phương tiện, các sở GTVT chỉ cần in ra danh sách để chấn chỉnh, nhắc nhở hay có những cách xử lý trong việc cấp đổi phù hiệu hoặc xử phạt.
“Sau này nếu có cơ chế xử phạt nguội thông qua thiết bị dữ liệu giám sát hành trình thì chỉ cần căn cứ vào đó để xử lý. Hiện nay, các sở GTVT chỉ làm được bước là khi có phản ánh về xe A, xe B vi phạm thì bắt đầu mới đi vào cụ thể đầu xe đó để lấy dữ liệu của đầu xe đó ra, còn để tổng hợp chung lại, có một cái nhìn tổng quan để chủ động xử lý khi không cần phải có đơn thư, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước thì hiện nay phần mềm này chưa làm được. Tương tự như thế là phầm mềm camera hành trình, đòi hỏi phải nâng cấp phần mềm lên và phầm mềm phải chi tiết cụ thể và thông minh hơn”, ông Quyền cho hay.
Thực tế hiện nay, nhiều xe hợp đồng trá hình, xe khách bỏ bến xuất hiện rất nhiều tại các địa phương, khiến nhiều bến xe khó trụ vững. Năm 2022, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đề nghị có giải pháp quản lý đối với xe khách hoạt động trái quy định; tháo gỡ khó khăn trong vận tải hành khách tuyến cố định và bến xe khách.
Hiệp hội chỉ rõ, những năm gần đây xuất hiện hàng ngàn xe hợp đồng được cải tạo từ xe 16 chỗ thành xe 10 - 12 chỗ (kể cả người lái), xe limousine và xe 16 chỗ nguyên bản. Loại xe này phát triển rất nhanh và được cấp giấy phép và phù hiệu xe hợp đồng (có đơn vị có tới hàng trăm xe).
Đa phần các nhà xe này không có hợp đồng vận tải được ký kết mà kết nối với hành khách qua điện thoại hoặc zalo; lợi dụng quy định không cấm xe dưới 16 chỗ được vào các tuyến phố để đón, trả khách ở các điểm trên đường phố hoặc tại nhà; hành trình lặp đi lặp lại. Nói cách khác, đây là hoạt động kinh doanh theo tuyến cố định.
Tình hình trên đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn nên một số xe tuyến cố định cũng bỏ bến xe, ra ngoài "chạy dù" tại các "bến cóc" trên địa bàn các thành phố, gây mất trật tự an toàn giao thông và đặc biệt là tạo thế cạnh tranh không bình đẳng. Điều này dẫn tới số lượng xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vào bến xe khách chỉ còn 50 - 60% so với trước. Điều này là nguyên nhân chính khiến cho 40 - 50% bến xe bên lề vực cùng sự phá sản.