Hội thảo Khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng”
Chiều 8/7, tại Bắc Ninh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9.7.1912 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là thôn Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp và tham gia hoạt động cách mạng trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Văn Cừ tích cực hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt, bị kết án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo từ năm 1931 đến năm 1936. Cuối năm 1936, sau khi được trả tự do, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương Đảng (mở rộng) năm 1937, Nguyễn Văn Cừ được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Tại Hội nghị Trung ương tháng 3.1938, được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới chưa đầy 26 tuổi.
Ngày 18.1.1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23.11.1940), Tổng Bí thư bị thực dân Pháp buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa và ngày 28.8.1941 đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Tổng Bí thư đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời cách mạng cao đẹp và tri ân những cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những đóng góp nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ như: Nguyễn Văn Cừ - Người cộng sản kiên trung thế hệ đầu tiên của Đảng; Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; Nguyễn Văn Cừ - tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực…
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập và noi gương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết , sáng tạo, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực.
Sau ngày tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh là tỉnh nông nghiệp, xuất phát điểm thấp. Qua 25 năm tái lập tỉnh, với sự đoàn kết và nỗ lực, quyết tâm cao. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực; đến nay, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tỉnh duy trì kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đạt tốc độ bình quân 13,9%/năm (6 tháng đầu năm 2022 đạt 14,7%); sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh và giá trị sản xuất đứng thứ nhất toàn quốc. Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.742 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 22,8 tỷ USD. Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển; xuất khẩu có bước đột phá, đạt gần 45 tỷ USD, chiếm 13,3% cả nước. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, là tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc.
Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng suất, hiệu quả, chất lượng, an toàn và bền vững; Bắc Ninh là 1 trong 14 tỉnh, thành phố hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.
Với 29 năm tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta./.