Hội thảo các giải pháp nâng cao ATGT đường bộ
Hội thảo các giải pháp trọng tâm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam với chủ đề Hành động vì một tương lai an toàn hơn, các chuyên gia ATGT đã chỉ ra 5 nguy cơ cao gây mất ATGT. Đồng thời, khuyến nghị các phương pháp khắc phục các nguy cơ này, trong đó, có phương pháp lấy con người làm trung tâm.
Hội thảo được tổ chức vào ngày 31/5, do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quản lý các yếu tố rủi ro có nguy cơ cao dẫn tới TNGT và hậu quả lớn nhằm cải thiện ATGT đường bộ tại Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và cuộc sống bình an cho tất cả mọi người dân. Trong nỗ lực hướng đến một tương lai an toàn hơn, việc tìm giải pháp đối với các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu là vô cùng cần thiết. “TNGT đường bộ là thảm họa cho toàn xã hội và không một cơ quan, tổ chức nào có thể đơn phương thực hiện công cuộc đẩy lùi thảm họa này”- TS. Trần Hữu Minh khẳng định.
Theo ông Trần Hữu Minh, mục tiêu của Hội thảo là cung cấp những thông tin khoa học cập nhật và các khuyến cáo thiết thực để hiểu rõ hơn về bối cảnh ATGT đường bộ trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Hội thảo cũng lan tỏa thông tin đến đông đảo công chúng và đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Ông Minh cho rằng, Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức công chúng, hướng tới việc đảm bảo cho người dân được thông tin trong suốt quá trình xây dựng chính sách của Nhà nước, góp phần chung tay vào nỗ lực thực hiện ATGT đường bộ. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình sửa đổi luật, giúp cải thiện tình hình trật tự ATGT đường bộ tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu toàn cầu giảm tỉ lệ thương vong và tử vong do TNGT xuống 50%, phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động hợp tác và thay đổi hành vi tham gia giao thông. Các đại biểu cũng nhấn mạnh 5 yếu tố nguy cơ cao gây mất ATGT là sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; vi phạm tốc độ quy định; không sử dụng mũ bảo hiểm; dây an toàn; thiết bị an toàn cho trẻ em.
Đối với thiết bị an toàn cho trẻ em, các đại biểu khuyến nghị, trẻ em có chiều cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi được chở trên xe ô tô cá nhân bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp với chiều cao và độ tuổi; các em không được phép ngồi hàng ghế của người lái xe ở tất cả các phương tiện cơ giới.
Về dây an toàn, các đại biểu khuyến nghị, tất cả các ghế trên xe ô tô đều phải có dây an toàn. Tất cả người ngồi trên xe ô tô đều phải thắt dây an toàn đúng cách.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, đối với sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự. Cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến đối với các hành vi tái phạm vi phạm nồng độ cồn.
Với yếu tố vi phạm tốc độ quy định, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50km/h với tất cả các loại đường. Tại khu vực có tình trạng giao thông phức tạp như trường học, giảm tốc độ giới hạn xuống 30km/h.
Về yếu tố mũ bảo hiểm, cần duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; Bổ sung quy định xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em dưới 6 tuổi trên xe mô tô xe máy.