Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế - 23 năm hình thành và phát triển
Bệnh viện Trung ương Huế đã đánh dấu mốc trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam với ca ghép thận đầu tiên vào năm 2001.
Cùng với xu thế phát triển ngành ghép tạng của thế giới, ở Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng được triển khai từ năm 1992, Bệnh viện Trung ương Huế đã đánh dấu mốc trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam với ca ghép thận đầu tiên vào năm 2001. Sự kiện này mở đầu cho hành trình hơn 20 năm với trên 2.000 ca ghép mô, tạng; kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện với tốc độ phát triển vượt bậc, tiệm cận với thế giới.
Ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế đã đi vào hoạt động thường quy, phẫu thuật trên 200 ca ghép thận mỗi năm. Bên cạnh việc duy trì các kỹ thuật ghép đảm bảo yêu cầu cao và an toàn cho bệnh nhân, các chuyên gia ghép thận của Bệnh viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sống thận ghép và các trường hợp khó, nhiều bệnh lý phức tạp kèm theo. Điển hình là áp dụng kỹ thuật rửa thận ngược dòng, ghép thận 2, 3, 4 động mạch hoặc tĩnh mạch, lấy thận ghép nội soi, ghép thận lần 2.
Năm 2022, Bệnh viện bắt đầu ghép thận từ người cho chết não, việc ghép thận từ người cho chết não đã mở ra một chương mới về ghép tạng, không chỉ trong kỹ thuật chuyên môn mà con mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhưng để làm được điều này, ngoài việc các thầy thuốc ngày đêm miệt mài học hỏi về các phương pháp chuyên môn làm sao tối ưu hoá nhất cho bệnh nhân; cần có sự mở lòng của cộng đồng, cần lắm những tấm lòng vàng của gia đình những bệnh nhân không may chết não hiến tặng tạng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện đã hỗ trợ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong chuyển giao kỹ thuật ghép thận, trực tiếp hỗ trợ ghép thành công nhiều ca tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật ghép thận. Trong năm 2024, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã ký kết hợp đồng và tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.
Ghép tim là phương pháp điều trị triệt để nhất, tạo ra cơ hội mới cho đối tượng bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao tuổi thọ cho người bệnh. Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim đầu tiên vào năm 2011, thành công này là bước khởi đầu quan trọng để Bệnh viện triển khai các ca ghép tim tiếp theo, đồng thời sử dụng thêm các tạng khác của người cho tim (thận, giác mạc, gan, tụy...) để ghép cho những bệnh nhân chờ ghép và cho tới thời điểm này, đã có 14 ca ghép tim thành công được thực hiện tại Bệnh viện.
Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 14 ca ghép tim, 2 ca ghép gan và 3 ca ghép thận xuyên Việt trong điều kiện nhận điều phối tạng gặp rất nhiều khó khăn do quãng đường vận chuyển phức tạp, phải vận chuyển tạng bằng máy bay dân dụng cùng với hành khách, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và Việt Nam; việc lấy tạng thực hiện ở các bệnh viện tuyến dưới, nhân lực phải phân chia thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ,….
Đặc biệt, ca ghép tim xuyên Việt ngày 06/5/2022 đạt được 03 kỷ lục mới: thời gian từ khi lấy tim đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian phẫu thuật ngắn nhất, thời gian nằm viện ngắn nhất. Tiếp nối sau đó, Bệnh viện đã lập ba kỷ lục về ghép tạng trong vòng 48 giờ đồng hồ vào ngày 02/4/2024: Kỷ lục thứ nhất: “Ngày ghép tạng” bắt đầu từ ngày 2/4/2024 với 4 ca ghép thận cùng huyết thống, 1 ca ghép thận tự thân (bệnh nhân đa chấn thương, chấn thương thận độ 4), 3 ca ghép tạng xuyên Việt; kỷ lục thứ hai: Lần đầu tiên thực hiện ghép bộ ba tạng tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại BV tuyến tỉnh (BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh); kỷ lục thứ ba: Thời gian vận chuyển 3 tạng xuyên Việt cho cùng một đơn vị dài nhất.
Sự thành công của 19 ca ghép tạng “xuyên Việt” đã khẳng định vị thế của Bệnh viện trong việc chinh phục đỉnh cao của ghép tạng, đó là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của nhiều trung tâm, khoa phòng với nhiều chuyên ngành trong toàn viện, thể hiện sự nỗ lực vô cùng lớn lao của tập thể cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế ghép giác mạc xuyên được triển khai từ năm 1999. Cùng với sự phát triển trong công tác ghép tạng của Bệnh viện, đặc biệt với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các ngân hàng mắt trong và ngoài nước, nguồn giác mạc trở nên phong phú hơn. Đến nay, 46 mắt bệnh nhân đã được thực hiện ghép giác mạc tại Bệnh viện. Ngoài triển khai những kỹ thuật, phẫu thuật thường quy chuyên ngành, Bệnh viện đã tiếp cận và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để điều trị các bệnh của mắt như bệnh lý về giác mạc, bệnh tạo hình, u hốc mắt, bệnh bán phần sau của mắt, đặc biệt về phẫu thuật cấy ghép giác mạc.
Việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị hỗ trợ ung thư vú và buồng trứng đã được triển khai thường qui. Năm 2019, Bệnh viện tiến hành kỹ thuật Ghép tế bào gốc ở trẻ em với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ điều trị bệnh lý u nguyên bào thần kinh, Bệnh viện là cơ sở đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là thứ hai trong cả nước thực hiện kỹ thuật này. Kết quả bước đầu rất khả quan, mang lại tín hiệu tích cực trong điều trị ung thư ở trẻ em. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã thực hiện thành công gần 50 ca ghép, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý u đặc trẻ em. Ghép tế bào gốc trên bệnh nhi u nguyên bào võng mạc di căn và Burkitt Lymphoma tái phát cũng là những ca đầu tiên của Việt nam được thực hiện tại Huế. Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị cho bệnh nhân U lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Bệnh viện Trung ương Huế cũng hoàn thiện cơ sở phục vụ công tác ghép tạng với sự ra đời của Trung tâm Ghép tạng trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 8 năm 2019, tiền thân là Đơn vị Điều phối ghép tạng được thành lập năm 2015. Đây là Trung tâm Ghép tạng đầu tiên ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm hoạt động theo cơ chế “mềm”, cơ cấu tổ chức bao gồm: Phòng Điều phối Ghép tạng, khoa Ghép tạng trên cơ hoành, khoa Ghép tạng dưới cơ hoành, khoa Điều trị miễn dịch trước và sau ghép, khoa Điều trị hồi sức trong và sau ghép, khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng.
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc BVTW Huế khẳng định: “Trung tâm Ghép tạng BVTW Huế được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng như khu vực. Hy vọng, trong tương lai không xa, đây cũng là nòng cốt của Văn phòng Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Khẳng định thương hiệu Trung tâm Y học cao cấp, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực ghép tạng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển Bệnh viện Trung ương Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Đây là một trong những nội dung của Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về việc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2045; và nhấn mạnh năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu…
Không thể phủ nhận, sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật ghép tạng đã mang lại cho bệnh nhân những hy vọng mới cùng cơ hội vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, viết tiếp tương lai trong một cơ thể khoẻ mạnh hơn. Trong tương lai gần, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật ghép tạng thường quy, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng; khẳng định thương hiệu Trung tâm Y học cao cấp, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực ghép tạng.