Eximbank trên đỉnh lợi nhuận
Eximbank có lợi nhuận trước thuế tăng 280% cùng kỳ quý I/2021. Thu nhập lãi thuần tăng 80% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 50%. Trong khi cổ phiếu EIB lại có sức hút đặc biệt với giới đại gia.
Tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành khoảng 30%, Eximbank tăng 280%
Tới ngày 11/5/2022, đã có 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý I/2022. Mức tăng trưởng lợi nhuận chung toàn ngành khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng có nhiều biến động: Vị trí quán quân được thay thế, nhiều ngân hàng có lợi nhuận đi lùi do tăng mạnh trích lập dự phòng; cũng không ít thành viên chỉ mới đạt 10-15% kế hoạch lãi cả năm; một số ngân hàng tư nhân có sự đi lên bứt phá và bền vững.
Tín dụng toàn hệ thống cũng cho thấy sự tăng tốc khi tăng hơn 5% so với đầu năm, trong khi mức tăng cùng kỳ năm ngoái chưa tới 2,2%. Bên cạnh thu nhập chính từ hoạt động tín dụng, nguồn thu dịch vụ là yếu tố quan trọng đóng góp tích cực vào mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân trong ba tháng đầu năm.
Một vài ngân hàng báo mức tăng lợi nhuận cao hơn mặt bằng chung như VPBank, SHB, Eximbank, LienVietPostBank, Sacombank, SeABank. Nhưng một số ngân hàng có lợi nhuận kém đi nhiều như VietinBank giảm 28% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng tăng gần 230% cộng hưởng với thu nhập từ hoạt động tín dụng sụt giảm do có nhóm khách hàng bị ảnh hưởng vì Covid-19.
Quý I/2022, VPBank dẫn đầu lợi nhuận trước thuế với 11.146 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Vị trí này trước đó thuộc về Vietcombank. VPBank nhận được khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa Ngân hàng và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.
Techcombank và MBB cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận. Trong đó, quý I/2022, Techcombank đạt 6.785 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 23% so cùng kỳ; MBB đạt 5.910 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 29%.
Về tốc độ tăng trưởng, Saigonbank (SGB) là một trong những thành viên có lợi nhuận tăng trưởng tốt với 68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99 tỷ đồng lợi nhuận. Theo đó, nhà băng này đã đi được nửa chặng đường lợi nhuận mục tiêu cả năm 2022.
Một nhà băng khác cũng có kết quả quý đầu năm tốt hơn hẳn so với mặt bằng là SHB, nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng tới 90% do thu lãi tiền vay tăng tốt còn chi phí huy động lại giảm.
Có vẻ như các nhóm cổ đông đang dần tìm được tiếng nói chung, cùng nhìn về một phía. Nhóm cổ đông Nhật (SMBC) thì cần thoát vốn khỏi EIB khi dự tính tương lai giờ đã khác.
Tuy nhiên, ngôi sao sáng nhất quý I/2022 lại là Eximbank. Ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất trong hệ thống, tăng 280% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 809 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ thu nhập lãi thuần tăng 80% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 50%.
Ngày 28/4 vừa qua, Đại hội cổ đông 2022 của Eximbank lại bất thành do số đại hội cổ đông tham gia không đủ điều kiện tỷ lệ tiến hành. Lần gần nhất Eximbank tổ chức thành công phiên họp cổ đông là ngày 15/2/2022, qua đó bầu được thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Hai trên bảy thành viên Hội đồng quản trị gồm bà Lương Thị Cẩm Tú được ủng hộ bởi nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Hoàn Cầu; hai thành viên được ủng hộ bởi Tập đoàn Thành Công; một người đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt; một đại diện của Sumitomo Mitsui Banking; một thành viên của BamBoo Capital (BCG). Ngoài ra, nhóm cổ đông BCG còn thành công đề cử trưởng Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) của Eximbank là ông Ngô Tony (SN 1971).
Năm 2022, ngân hàng dự kiến trình cổ đông về chủ trương xây dựng trụ sở chính và giải trình việc bán cổ phiếu Sacombank dưới giá tối thiểu. Đồng thời, ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh với tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với 2021; huy động vốn 147.600 tỷ, tăng 7,4%; dư nợ tín dụng hơn 127.000 tỷ, tăng 10% theo chỉ tiêu NHNN thông báo; lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ, tăng trưởng hơn 107% so với năm trước.
Phiên giao dịch ngày 11/5, cổ phiếu EIB của Eximbank tăng trần mức 31.450 đồng/cổ phiếu. EIB cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng mất giá ít nhất trong đợt càn quét và "thủng đáy" niềm tin VN-Index cuối tháng 4 đầu tháng 5. Trước đó, cổ phiếu này có thời điểm vượt mốc 37.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ngân hàng đang được định giá thấp so với mức tăng lợi nhuận
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.
Theo đó, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo trước đó, cụ thể lên mức 36,4% (so với mức 22,2% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi thấp hơn trong năm 2021.
Trong năm 2022, nhóm phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14.0% là hoàn toàn khả thi và có thể ở mức từ 14%-16%. Trong quý I/2022, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II/2022. Bên cạnh đó, nhờ những chính sách mới của chính phủ, dòng vốn tín dụng sẽ được trải rộng ra các ngành nghề sản xuất kinh doanh từ đó giúp tăng trưởng thị trường bền vững trong tương lai.
Mặt khác, việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 của nhiều ngân hàng do: Quy mô cho vay trên khách hàng thấp giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn.
NIM năm 2022 được dự báo tăng trưởng 0,1 điểm % nhờ sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân với NIM cao. Ngoài ra, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ và tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 cũng giúp mở rộng NIM.
Về chất lượng tài sản, nhóm phân tích cho rằng, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản, nhưng với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện tại.
Hơn nữa, các khoản nợ tái cơ cấu dự kiến sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế. Đồng thời, một số ngân hàng cũng đã trích lập từ 30% - 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến sẽ trích lập theo thông tư 03 trong thời gian tới.
Trong năm 2022, tỷ lệ CAR Basel II các ngân hàng dự báo tiếp tục được giữ ở mức cao và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các ngân hàng.