Chuyên mục


Du lịch quốc tế năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn

24/05/2024 16:21 (GMT +7)

Theo dự báo của UN Tourism, du lịch quốc tế năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn với lượng khách đến tăng 2% so với mức trước đại dịch.

Báo cáo từ Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) cho thấy, trong Quý 1/2024 đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, nhiều hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 97% mức trước đại dịch. Kết quả này cho thấy sự phục hồi gần như hoàn toàn của ngành sau tác động của đại dịch.

Theo UN Tourism, năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế phục hồi 89% so với năm 2019, trong khi giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt 96%, đóng góp của du lịch vào GDP đạt tương tự trước đại dịch. Theo dự báo của UN Tourism, du lịch quốc tế năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn với lượng khách đến tăng 2% so với mức trước đại dịch.

Theo dự báo của UN Tourism, du lịch quốc tế năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn

Theo dự báo của UN Tourism, du lịch quốc tế năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn

Trung Đông là khu vực đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, đón lượng khách quốc tế trong Quý 1 năm 2024 vượt 36% mức trước đại dịch. Kết quả này là sự tiếp nối của thành công năm 2023, khi Trung Đông trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới đạt mức phục hồi đáng kinh ngạc, cao hơn 22% so với trước đại dịch.

Châu Âu, khu vực điểm đến lớn nhất thế giới, lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch trong một quý (tăng 1% so với Quý 1 năm 2019). Khu vực này ghi nhận đón 120 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong ba tháng đầu năm, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ du lịch nội vùng.

Châu Phi cũng chứng kiến sự phục hồi tốt, với lượng khách đến trong Quý 1 năm 2024 tăng 5% so với trước đại dịch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Châu Mỹ đã phục hồi gần như hoàn toàn về lượng khách quốc tế trong Quý 1 năm nay, đạt 99% so với mức trước đại dịch.

Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của du khách quốc tế, với lượng khách đến đạt 82% mức trước đại dịch trong Quý 1 năm 2024. Đây là bước phục hồi đáng kể sau khi chỉ đạt 65% vào năm 2023.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UN Tourism chia sẻ: "Sự phục hồi của ngành là tin tức rất đáng mừng đối với nền kinh tế của chúng ta cũng như đối với sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên, nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng cần phải đảm bảo duy trì các chính sách phát triển du lịch và quản lý điểm đến phù hợp nhằm thúc đẩy tính bền vững và bao trùm của du lịch, đồng thời nhằm ứng phó với các tác động từ bên ngoài và tác động của hoạt động du lịch đối với tài nguyên và cộng đồng".

Kết quả đáng khích lệ của du lịch quốc tế cũng được thể hiện qua Chỉ số niềm tin của UN Tourism đạt 130 điểm (trên thang điểm từ 0 đến 200) cho khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra vào tháng 1 đầu năm nay.

Về mặt tổng thu, du lịch quốc tế đạt 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2023, phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch theo giá trị danh nghĩa, tuy nhiên chỉ đạt 97% nếu tính theo giá trị thực, có điều chỉnh theo mức lạm phát. Giá trị xuất khẩu từ du lịch quốc tế năm 2023 (bao gồm cả tổng thu du lịch và vận tải hành khách) đạt 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 96% mức trước đại dịch. Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP đã phục hồi ở mức trước đại dịch, ước tính năm 2023 đạt 3,3 nghìn tỷ USD, tương đương 3% GDP toàn cầu.

Du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 nhờ nhu cầu đi lại gia tăng, kết nối hàng không được tăng cường và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn khác ở châu Á. Chỉ số niềm tin mới nhất của UN Tourism cho thấy triển vọng tích cực cho mùa hè sắp tới, với số điểm 130 cho khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2024, phản ánh tâm lý lạc quan hơn so với đầu năm nay.

Mặc dù du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ, Hội đồng chuyên gia UN Tourism cảnh báo về những thách thức kinh tế và địa chính trị sẽ tác động đến ngành trong thời gian tới. Lạm phát, lãi suất cao, giá dầu biến động, gián đoạn thương mại, và bất ổn chính trị sẽ dẫn đến chi phí tăng cao và ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến của du khách.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch quốc tế trong bối cảnh này, chính phủ các nước cần linh hoạt thích ứng và tăng cường quản lý ngành ở cấp quốc gia và địa phương, đặt lợi ích của cộng đồng và người dân lên hàng đầu.

Thanh Anh
Grand Pioneers Cruise ra mắt dịch vụ Spa chuyên nghiệp
Grand Pioneers Cruise vừa ra mắt Sea Spa - Dịch vụ spa chuyên nghiệp trên du thuyền tại vịnh Hạ Long. Đây là một bước tiến mới, mang đến cho du khách trải nghiệm chăm sóc sức khỏe đẳng cấp quốc tế ngay giữa vẻ đẹp hùng vĩ của Di sản thiên nhiên thế giới.

Khẩn cấp mua 2 tấn gạo cho bà con vùng lũ ở Yên Bái
Nhận được thông tin người dân tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đa phần không có ruộng đồng, bị ngập sâu, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cùng các mạnh thường quân đã ngay lập tức mua 2 tấn gạo để trao cho bà con không để thiếu lương thực.

Trường THPT Hai Bà Trưng mang “Nắng ấm” đến Miền Bắc
Sáng 18/9, Ông Lê Triều Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng (Thừa Thiên Huế) cho biết, nhà trường đã phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc khắc phục hậu quả sau bão Yagi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Số tiền nhà trường quyên góp được là 73.079.000 đồng.

Bắc Ninh khắc phục sự cố công trình thủy lợi trên đê sông Ngũ Huyện Khê
Hơn 1000 người được huy động để đóng cọc bê tông, cọc tre, thả hộc bê tông, bao tải đất, rọ đá… khắc phục sự cố công trình thủy lợi trên đê sông Ngũ Huyện Khê ở Bắc Ninh.

Vịnh Hạ Long đón khách du lịch trở lại
Sau 5 ngày tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của bão số 3, bắt đầu từ ngày 13/9, Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sẽ mở cửa đón khách đến thăm quan trở lại.

Hà Tĩnh quyên góp hơn 6 tỷ đồng ủng hộ miền Bắc bị lũ lụt
Tính đến cuối ngày 12/9, Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng trị giá gần 6,4 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Hà Tĩnh đồng lòng hướng về miền Bắc yêu thương
Trước những mất mát mà miền Bắc đang phải gánh chịu từ sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, nhiều đoàn thể, tổ chức, trường học, cá nhân ở Hà Tĩnh đã và đang quyên góp tiền, vật dụng, thuốc men, nhu yếu phẩm... để gửi cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ phía Bắc