Đề xuất phương án đầu tư cao tốc qua 3 tỉnh
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tách dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP.
Được biết, đoạn tuyến này có tổng chiều dài khoảng 60,9 km, được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư 18.823 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.312 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT 9.511 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư).
Đối với cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đoạn tuyến này dài khoảng 25,3 km; quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75 m; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỷ đồng triển khai theo hình thức đầu tư công.
Trong khi chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phân cấp cho địa phương đầu tư đường cao tốc, Bộ GTVT đề xuất giao tỉnh Ninh Bình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn qua địa phận tỉnh.
Cũng được biết, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình thuộc cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đi qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng) đã được xác định trong mạng lưới quy hoạch cao tốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tuyến Ninh Bình - Hải Phòng có điểm đầu nối với cao tốc Bắc - Nam tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình; điểm cuối tại nút giao giữa quốc lộ 37B và đường ven biển xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Trước đó, tháng 4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT thống nhất bằng văn bản với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương liên quan về phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo kết luận của Thường trực Chính phủ.