Cổ phiếu nào vào "đường đua quỹ ngoại" 2022?
VinaCapital đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng ấn tượng 37,5% trong năm 2021, chủ yếu là nhờ tăng trưởng lợi nhuận đạt 30%. Theo đó, P/E về cơ bản không thay đổi, ở mức khoảng 17 lần.
Một thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận sẽ bền vững hơn so với các thị trường tăng trưởng bằng P/E. Quỹ ngoại này kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng khoảng 24% vào năm 2022, theo đó thúc đẩy thị trường chứng khoán đạt được nhiều mốc cao hơn.
Công ty này vẫn tập trung vào việc xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế. Bao gồm nhóm ngành tiêu dùng, tài chính, bất động sản và vật liệu.
Động lực tăng trưởng dài hạn của TTCK Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi đại Covid-19, do đó danh mục của quỹ cũng sẽ tập trung vào cổ phiếu và các lĩnh vực được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và số hóa.
Lợi nhuận của ngành ngân hàng dự kiến tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 14% và sự phục hồi sau đại dịch. Các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng dự kiến không mạnh tay hạ lãi suất cho vay như năm 2021.
Bên cạnh đó, cơ cấu khoản vay được cải thiện và chi phí cấp vốn thấp hơn là 2 yếu tố cũng sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2022. Các biện pháp xử lý nợ xấu của chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp khoản lỗ cho vay do COVID-19 trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, nhóm phân tích đưa ra dự báo khá khiêm tốn về tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong năm 2022, cao nhất chỉ đạt 25%.
Ngoài ngân hàng, cổ phiếu ngành bất động sản cũng khá khả quan. Quỹ kỳ vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022 nhờ doanh số bán, bán trước căn hộ mới tăng gấp đôi. Giá bất động sản và nhu cầu mua nhà bị dồn nén trong năm qua sẽ thúc đẩy doanh số bán trước.
Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản ổn định, một phần nhờ lãi suất huy động tại các ngân hàng thấp, đảm bảo giá bất động sản tiếp tục tăng mạnh vào năm 2022. Uớc tính giá căn hộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2021.
Cuối cùng là bán lẻ, covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng qua kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vì thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn. Theo đó, dự kiến doanh số bán một số mặt hàng không thiết yếu hoặc cao cấp sẽ không phục hồi về mức trước Covid-19.
Tạp chí Economist gần đây đã công bố những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào năm 2022, trong đó Việt Nam nằm gần cuối danh sách.
Trong công bố nghiên cứu về thị trường chứng khoán năm 2013, Ngân hàng dự trữ liên bang Dallas kết luận các quốc gia tại thị trường cận biên và mới nổi chịu tác động bởi các đợt điều chỉnh lãi suất của Fed là những quốc gia có quá ít dự trữ USD dự trữ hoặc quá nhiều nợ nước ngoài.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, cao hơn khoảng 10% so với mức dự trữ ngoại hối khuyến nghị của IMF và nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam dưới 40%/GDP.
Ngoài ra, một nửa số nợ ngoại tệ của Việt Nam về cơ bản là các khoản vay từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới theo điều khoản ưu đãi. Như vậy, khoản nợ này không có tác động đáng kể tới Việt Nam trước điều kiện tiền tệ toàn cầu thắt chặt.