Chuyên mục


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không làm khó doanh nghiệp, giá xăng dầu phải được kiểm soát

25/05/2022 18:17 (GMT +7)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đánh giá vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế lại thấp, người dân còn khó khăn.

Nghịch lý thu ngân sách và GDP

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình Kinh tế - Xã hội, sáng 25/5, tại Quốc hội, vấn đề nguy cơ lạm phát và giải pháp kiểm soát là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều. Dù ghi nhận nhiều kết quả khả quan bước đầu, một số nguy cơ hiện hữu mà Việt Nam phải đối mặt cũng được các đại biểu bàn thảo.

Năm ngoái, thu ngân sách năm 2021 đạt trên 1,56 triệu tỷ đồng, vượt trên 16,4% dự toán, nhưng mức tăng GDP thấp, chỉ 2,58%. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nghịch lý này như một "bất thường" cần làm rõ tại phiên thảo luận ở tổ TP HCM sáng nay.

"Vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn khó khăn sau dịch", ông đặt câu hỏi. Theo ông, đây là điều "bất thường" trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ do tác động Covid-19. Doanh nghiệp khó khăn là điều không thể tránh khỏi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, do đại dịch bất khả kháng gây ra.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay, nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thoát khỏi khó khăn sau dịch.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay, nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thoát khỏi khó khăn sau dịch.

Thảo luận ở tổ khác nhưng Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng nay cũng giải thích rõ hơn về vấn đề này. Ông cho hay, trong cơ cấu tổng thu ngân sách năm 2021, tiền thu sử dụng đất chỉ vượt 74.100 tỷ đồng, thu từ dầu thô vượt 21.400 tỷ đồng do giá dầu tăng. Thu từ dầu thô tăng là nhờ giá thế giới tăng cao, 80 USD một thùng, trong khi kịch bản dự toán chỉ 60 USD.

Xét về tỷ trọng, tiền thu từ sử dụng đất theo dự toán là 8,3% trong tổng thu, nhưng thực hiện là 11,8%. Còn dầu thô theo dự toán chỉ chiếm 1,7%, đến khi thực hiện chiếm 2,9% tổng thu. "Như vậy, sức sống của nền kinh tế vẫn phát triển được, ngoài đất và dầu thô", ông Phóc giải thích.

Ngoài ra, theo ông Phớc, thu ngân sách năm ngoái còn tăng thu từ những lĩnh vực tiềm năng lâu nay chưa thu được, như nền tảng số hay bất động sản. Quý I/2021, thu từ chuyển nhượng bất động sản tăng 3.200 tỷ đồng so với số kê khai lần đầu.

Theo Chủ tịch nước, tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước. Trong khi đó, nền kinh tế đang đứng trước áp lực lạm phát lớn khi giá nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là xăng dầu liên tục tăng cao. Với độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, các yếu tố đầu vào tăng sẽ kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế.

"Các gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo", ông nói.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch nước cảnh báo dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, các yếu tố đầu vào tăng kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế. Trong khi đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng lại "bốc hơi" hàng tỷ USD trong thời gian gần đây. Vì thế, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này, giúp dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.

Về gói kích thích kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhận định, một số việc triển khai còn chậm; doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít. "Vì vậy cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn để những gói kích thích này đi vào cuộc sống".

"Chúng ta cần tập trung khắc phục ở mọi cấp để người dân yên tâm hơn trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Chúng ta không quá lạc quan nhưng không được quá chủ quan", Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đến năm 2025 nước ta thoát ra khỏi các nước có thu nhập trung bình thấp, 2030 là nước có thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước, phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu, chúng ta phải có sự tăng trưởng cao liên tục, trách nhiệm này rất nặng nề vì với tốc độ tăng trưởng (6-7%) thì đến năm 2045 chúng ta mới bằng quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay. Chúng ta đã mất 2 năm (2020-2021) không đạt mục tiêu tăng trưởng, do đó để đạt được mục tiêu hùng cường, phát triển, thu nhập cao thì cần có những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ với cơ chế chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Thể chế, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng. Chủ tịch nước đề nghị lưu ý: "Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng lớn, cần tháo gỡ từ từng cấp, từng ngành".

"Phát triển hướng về người dân để người dân đỡ khó khăn, vất vả hơn là nhiệm vụ của chúng ta. Khó khăn của người dân vẫn là vấn đề chúng ta tiếp tục quan tâm để mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp có sức sống, thu nhập, tích lũy. Chính vì thế chính sách, cơ chế phải sát, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính sách đưa ra phải tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều vấn đề KTXH cần có sự đồng bộ trong quản lý, điều hành, chỉ đạo để các địa phương có sức sống mới", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Giá xăng dầu cần phải được kiểm soát

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cảnh báo, với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong bối cảnh biến động như hiện nay, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách "zero covid" của Trung Quốc dẫn đến khó khăn nguồn nguyên vật liệu...

Ông Ngân cũng nhắc lại nhiều đợt lạm phát mà nước ta từng đối mặt, buộc phải thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Với bối cảnh hiện nay khi giá xăng dầu liên tục tăng, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng Quốc hội, Chính phủ, cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu.

"Ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng cần có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu. như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu", ông Ngân nói và đặt vấn đề về việc không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Quốc hội nên dành một buổi để bàn nội dung này, bởi nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ tạo "hiệu ứng domino" khiến các mặt hàng khác tăng giá.

Với thị trường tài chính, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần "uốn nắn" để minh bạch, công khai, pháp lý rõ ràng giúp nhà đầu tư yên tâm. Cùng với đó, cần có cơ quan giám sát và xử lý sai phạm đến nơi đến chốn để đảm bảo minh bạch.

Trong khi đó, đại biểu Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TPHCM) góp ý cần siết tín dụng vào bất động sản cho đúng, tránh ảnh hưởng đến dự án cần triển khai bởi khi dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực đó sẽ tạo công ăn việc làm, tác động lớn đến KTXH.

Nguyên Ý
Chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 34 lô vàng
Có 11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia phiên đấu thầu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng nay (23/4), tuy nhiên chỉ có 2 đơn vị trúng thầu.

Cấm phân lô, bán nền hơn 100 thành phố và thị xã
Kể từ ngày 1/1/2025, 105 thành phố, thị xã thuộc 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước sẽ không được phân lô, bán nền theo quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Hóa dầu Petrolimex dự kiến cổ tức tối thiểu 10%
Năm 2024, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP (PLC) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 140 tỷ đồng; chỉ tiêu cổ tức tối thiểu 10%.

Vàng giảm mạnh trước giờ đấu thầu
Sáng nay (23/4), giá vàng trong nước giảm mạnh theo giá vàng thế giới.

SHB được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất
Đây là lần thứ hai liên tiếp SHB là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”.

LPBank sẽ đổi tên, mở rộng bán lẻ ở nông thôn
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã: LPB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 10.500 tỷ đồng.

NHNN hoãn đấu thầu vàng miếng sang 23/4
Sáng nay (ngày 22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoãn đấu thầu vàng miếng như dự kiến và sẽ triển khai vào 10h sáng thứ Ba ngày 23/4.