Bắc Giang kiểm định chất lượng thiết bị đo nồng độ cồn
Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong toàn tỉnh Bắc Giang đang tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Để bảo đảm kết quả kiểm tra chính xác, các thiết bị chuyên dụng đều được kiểm định chất lượng.
Giống như nhiều lái xe khác, anh N.V.T (phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) mỗi khi lưu thông trên đường đều chú ý, hạn chế tối đa vi phạm. Tuy vậy, anh vẫn băn khoăn về chất lượng của các thiết bị đo nồng độ cồn do thực tế ở địa phương khác đã xảy ra tình trạng lực lượng chức năng sử dụng thiết bị không đạt chuẩn.
Anh T bày tỏ: “Tôi làm nghề lái xe ô tô dịch vụ nên hoạt động thường xuyên trên các tuyến đường, trước và trong khi lái xe, tôi tuyệt đối không uống bia, rượu để giữ an toàn cho chính mình, hành khách trên xe. Hơn nữa, hiện nay mức phạt rất nặng. Thế nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp khác chưa thật sự yên tâm bởi máy đo nồng độ cồn là thiết bị chuyên dụng của lực lượng CSGT, người dân không có điều kiện để kiểm tra máy có chính xác, hợp chuẩn, đúng quy định hay không?”.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Công Điệp, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn bộ thiết bị đo nồng độ cồn mà lực lượng CSGT hiện đang sử dụng đều được cơ quan cấp trên cấp theo quy định, bảo đảm các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn. Thiết bị đạt tiêu chuẩn có dán tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định…
Đây là thiết bị hiện đại có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở, sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước. Kết quả kiểm tra sẽ được hiển thị ngay trên màn hình. Chu kỳ kiểm định phương tiện đo hàm lượng cồn là 1 lần/năm.
Trước khi các tổ, đội công tác đi làm nhiệm vụ, thiết bị đo nồng độ cồn được kiểm tra kỹ lưỡng, bàn giao bằng văn bản. Nếu phát hiện sai, hỏng phải dừng việc sử dụng, chuyển lại bộ phận kỹ thuật để thực hiện các biện pháp khắc phục, không để xử lý oan sai cho người được kiểm tra nồng độ cồn do những sai sót về nghiệp vụ kỹ thuật.
Luật sư Lê Văn Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Tín (TP Bắc Giang) cho rằng, người điều khiển phương tiện giao thông khi được lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cần hợp tác, chấp hành nghiêm, không nên chống đối hoặc lẩn tránh, đối phó. Nếu không yên tâm về chất lượng thiết bị đo nồng độ cồn có thể đề nghị cán bộ thi hành công vụ cho xem phương tiện đo có được dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem kiểm định hay không.
Trường hợp kết quả đo có biểu hiện sai lệch bất thường thì đề nghị xem xét, kiểm tra lại phương tiện đo, có thể đo bằng máy khác để đối chiếu kết quả. Quá trình kiểm tra, xử lý phải bảo đảm an toàn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.