TT.Huế giao trọng trách cho lãnh đạo đảm bảo an toàn giao thông
Tới đây, cán bộ đảng viên TT.Huế khi tham gia giao thông tiếp tục tuyệt đối chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tuyệt đối không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; triển khai kế hoạch số 213/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Chỉ thị số 23-CT/TW nêu rõ các nội dung về phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT; xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.
Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ có quan điểm: Phải đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi của người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.
Mục tiêu đối với công tác bảo đảm TTATGT là thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần phải bám sát các nội dung triển khai và trong từng nội dung có phân công rõ trách nhiệm của từng người.
Đặc biêt, lưu ý vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Yêu cầu cán bộ đảng viên khi ra đường tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo sở Giao thông vận tải, Ban an toàn giao thông rà soát các vị trí nguy cơ, “điểm đen” gây tai nạn giao thông để tổng hợp, đề xuất, kiến nghị, tham mưu xử lý; Sở Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh việc xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua Hue-S.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đề nghị lực lượng công an trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu kéo giảm số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.