Tỉnh giấc “ngủ đông”, du lịch thổi bừng sức sống các điểm đến
Những con số về lượt khách và doanh thu từ hai kỳ nghỉ lễ khiến nhiều người làm du lịch gần như …không dám tin. Những điểm đến tấp nập khách như chưa từng có ngày vắng lặng. Tỉnh giấc “ngủ đông” dài hai năm, du lịch thổi bừng sức sống cho các điểm đến.
Hồi sinh rực rỡ
Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng), Lễ hội Ẩm thực và Bia B’estival tưng bừng, hương bia mát lạnh, những món ngon thơm lừng, thác Thần Mặt Trời bừng lên sắc vàng vương giả, show diễn “Trận chiến vương quốc Mặt trăng” khiến vạn du khách say mê… Ra mắt nhiều công trình, sản phẩm mới, Bà Nà Hills đã khiến du khách thực sự ngỡ ngàng khi trở lại đón khách. “Khu du lịch này mỗi ngày một đẹp hơn, hoành tráng và rực rỡ hơn”, Hoàng Nga- du khách đến từ Hà Nội cho biết.
Cho đến cả những ngày sau lễ, khu du lịch biểu tượng của Đà Nẵng trên đỉnh Bà Nà vẫn tiếp tục náo nhiệt và sôi động. Khát khao được đi của du khách, cộng hưởng với sự chuẩn bị chu đáo với cả loạt sản phẩm bùng nổ của điểm đến, đã khiến điểm đến Đà Nẵng thu về những tín hiệu không thể tích cực hơn, kể từ dịp nghỉ lễ Giỗ tổ 10/3 đến nay.
Tại Phú Quốc, Sun World Hon Thom Nature Park đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi dịp cuối tuần. Combo Đêm Thiên Đường với đủ cung bậc trải nghiệm mà tổ hợp du lịch này đang triển khai được du khách đánh giá cao. Bởi chỉ với một tấm vé thông hành, du khách đã có thể tận hưởng trọn vẹn phần đẹp nhất của Phú Quốc là Nam đảo, từ ngắm biển đảo từ trên cao với cáp treo Hòn Thơm; tận hưởng những trò chơi biển kỳ thú ở Bãi Trào; thử thách cùng 21 làn trượt đầy cảm xúc ở công viên nước Aquatopia; phiêu lưu với hành trình chinh phục Mộc xà thịnh nộ- tàu lượn bằng gỗ đầu tiên tại Việt Nam; chiêm ngưỡng Hòn Thơm từ trên cao cùng game mới “Mắt đại bàng” và thưởng thức những món ngon cùng các vũ điệu thổ dân bừng lửa từ các nghệ sỹ quốc tế.
Chị Nguyễn Phương Đào từ Vĩnh Phúc không khỏi ngạc nhiên: “Gần 2 năm quẩn quanh mãi trong nhà, cứ ngỡ các điểm đến bị quên lãng bởi dịch bệnh sẽ xuống cấp. Nhưng thật bất ngờ, Phú Quốc khiến tôi không khỏi kinh ngạc, bởi rất nhiều những công trình và sản phẩm du lịch mới thực sự hoành tráng”.
Khắp cả nước, các điểm đến rộn ràng trình làng sản phẩm mới hấp dẫn. Một Phố đêm du thuyền Hạ Long được kỳ vọng sẽ tạo nên một không gian vui chơi khác lạ, độc đáo cho vùng di sản về đêm. Một Lễ hội Hoa hồng Fansipan rực rỡ cùng sự kiện “Vó ngựa trên mây” thu hút hàng trăm ngàn du khách đến Sa Pa… Du lịch thức giấc, nhiều điểm đến được khoác áo mới. Sự ảm đạm, đìu hiu trong dịch nay đã được thay bằng không khí sôi động, rộn ràng và xinh đẹp. Dường như ai cũng nhìn thấy rất rõ: Du lịch đã và đang khiến cho các điểm đến đẹp hơn mỗi ngày.
Điểm sáng phục hồi kinh tế
Ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND thị xã Sapa khẳng định về tầm quan trọng của ngành “công nghiệp xanh”: “Du lịch là ngành kinh tế trọng tâm của Sapa khi chiếm đến 50% GDP của thị xã. Ngành công nghiệp không khói này đã đóng góp rất nhiều trong việc phát triển kinh tế xã hội và tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân Sapa cũng như các tỉnh thành khác”. Sa Pa không phải điển hình duy nhất thay đổi mạnh mẽ nhờ phát triển du lịch. Đã từ nhiều năm nay, du lịch là ngành kinh tế đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhiều địa phương. Năm 1990, tổng thu từ du lịch mới đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số đó là 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD).
Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Dịch bệnh xảy ra, người ta càng thấm thía những thiệt hại của nền kinh tế, khi du lịch đóng băng. Hàng triệu người mất việc, các điểm đến đìu hiu. Các ngành dịch vụ ăn theo cũng gần như “chết lặng”. Nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng mở cửa (từ ngày 15/3/2022), quang cảnh các điểm đến như được chạm vào bởi một “cây đũa thần”. Bốn ngày nghỉ lễ từ 30/4-2/5, Quảng Ninh đón trên 300.000 lượt khách, Đà Nẵng 254.000 lượt khách (gấp 3, 4 lần cùng kỳ năm ngoái), Phú Quốc gần 140.000 lượt khách. Doanh thu du lịch cả nước ước đạt 22.000 tỷ đồng.Riêng tại Sapa dịp này, nhờ những sản phẩm du lịch độc đáo như Lễ hội hoa hồng Fansipan, mùa giải “Vó ngựa trên mây” và rất nhiều sự kiện khác, thị trấn trong sương đã đạt doanh thu tới 189 tỷ đồng, tổng lượng khách tăng 122% so với năm 2019.
Những tín hiệu hết sức tích cực đó đã cho phép người làm du lịch kỳ vọng về một năm 2022 rực rỡ. Ngành công nghiệp xanh đặt mục tiêu đạt doanh thu 400 nghìn tỷ đồng với 65 triệu lượt khách. Trong đó, dự kiến sẽ có khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Đó không phải là một mục tiêu quá tầm với. Bởi với rất nhiều những sản phẩm, lễ hội và công trình mới dự kiến được các Tập đoàn lớn như Sun Group đang đầu tư, dự kiến ra mắt trong năm nay tại Phú Quốc, Hạ Long, Thanh Hóa…, ngành du lịch đang có những “bánh đà” vững chắc để phục hồi nhanh chóng và bùng nổ mạnh mẽ.