Thừa Thiên Huế tinh gọn bộ máy hành chính
Ngày 10/12/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức ban hành kế hoạch triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp huyện, thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, tinh giản bộ máy nhà nước, hướng tới một hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Kế hoạch này đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc cải cách hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế. Các sở, ngành sẽ được sắp xếp, hợp nhất để tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu đầu mối và tránh sự chồng chéo chức năng. Cụ thể, tỉnh sẽ duy trì 06 sở, ngành như: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Công Thương và Sở Ngoại vụ. Đồng thời, các sở như Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng, và nhiều sở khác sẽ thực hiện hợp nhất để tạo ra các đơn vị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.
Trong định hướng sắp xếp và hợp nhất các sở, ngành, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện các thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu sự chồng chéo trong chức năng. Một trong những điểm nổi bật trong kế hoạch là việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, tạo ra một cơ quan mới với tên gọi dự kiến là Sở Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Sở Kinh tế phát triển. Tương tự, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng sẽ được hợp nhất với tên gọi dự kiến Sở Phát triển Hạ tầng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ thực hiện việc hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tên gọi dự kiến Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Sở Văn hóa và Thể thao sẽ kết hợp với Sở Du lịch để tạo ra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa, thể thao của tỉnh.
Tương tự, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ hợp nhất với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số, hay Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Cuối cùng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ kết hợp với Sở Nội vụ, tạo ra một cơ quan có tên gọi dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động, đồng thời chuyển một số chức năng sang các cơ quan khác như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, và Ban Dân tộc tỉnh.
Việc hợp nhất này không chỉ dừng lại ở tên gọi mà còn tập trung vào việc sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành để đảm bảo sự liên kết và đồng bộ trong công tác quản lý. Ví dụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chuyển giao một số nhiệm vụ cho các sở khác, như chức năng giáo dục nghề nghiệp chuyển sang Sở Giáo dục và Đào tạo, bảo trợ xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội sẽ được chuyển sang Sở Y tế.
Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiê Huế cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện các phương án hợp nhất, sắp xếp lại các phòng, ban để giảm thiểu sự phân tán công việc, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Các huyện, thị xã, quận sẽ hợp nhất nhiều phòng, ban nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết.
Với mục tiêu hướng tới một bộ máy tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, quận xây dựng các phương án cụ thể và trình báo cáo lên UBND tỉnh trước ngày 13/12/2024. Sở Nội vụ sẽ chủ trì, đôn đốc việc triển khai, đồng thời phối hợp đề xuất các chế độ, chính sách để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp.
Đây là một bước đi mạnh mẽ của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn. Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu triển khai nhanh chóng và đồng bộ, đảm bảo mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho một bộ máy chính quyền mạnh mẽ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trong tương lai.