Siết một số quy định trong đấu giá tài sản
Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tập trung trả lời về các giải pháp trong công tác đấu giá tài sản để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, nâng cao công tác giám định...
Đấu giá tài sản THADS: Phải 'hời' lắm mới mua vì tâm lý e ngại
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (tỉnh Thanh Hóa) chất vấn về công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Đại biểu Khoa đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu Khoa, Bộ trưởng cho biết: Thực tế khi bán đấu giá, có vụ mãi không ai mua, có vụ đến 6 lần nhưng không thành. Ngoài ra, có nhiều trường hợp mua đấu giá rồi nhưng chưa giao được. Theo thống kê, 10 tháng qua, hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) bán đấu giá thành công gần 2.000 vụ, nhưng mới giao được hơn 1.300 vụ, còn hơn 600 vụ chưa giao được vì đấu giá tài sản trong THADS còn nhiều quy định liên quan đến đất đai, tài sản công và nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, có tâm lý e ngại của người mua tài sản THADS, phải "hời" lắm mới tham gia đấu giá để mua.
Về định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sẽ liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá, cập nhật những thuật ngữ, siết chặt một số quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước; có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đấu giá trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thêm, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác đã thực hiện tổng số 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Giải pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động giám định tư pháp
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) chất vấn: Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi. Nguyên nhân chủ yếu, theo đại biểu, hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế như chưa được quan tâm nên nguồn lực cho hoạt động này còn nhiều hạn chế; còn tâm lý né trách, đùn đẩy; thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao…
Từ đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế trong hoạt động giám định tư pháp?
Bộ trưởng cho biết, đây là việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hết sức quan tâm. Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã có sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề trực tiếp triển khai các chỉ đạo cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, Bộ trưởng cho rằng, thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên phải trực tiếp; cần cân nhắc Điều 26 về thời hạn giám định; cần phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp giám định bắt buộc…
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để kéo dài thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp sau này phát hiện chưa đủ yếu tố truy tố trách nhiệm hình sự. Cần nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định theo Nghị quyết 49; làm rõ các vấn đề về kinh phí, chi phí, trách nhiệm trưng cầu giám định của các giám định viên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân liên quan đến Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW tiếp tục quá trình tư duy, nhận thức của Đảng ta và toàn hệ thống chính trị trong quan niệm về thể chế, hệ thống pháp luật, hệ thống những việc đã làm, đang làm và cần tiếp tục tập trung. Nhiều quan điểm mang tính hàn lâm trong lĩnh vực lập pháp, kỹ thuật xây dựng pháp luật và kỹ thuật pháp lý, những giá trị tiếp cận với chuẩn chung quốc tế về pháp lý được thể hiện rõ nét và có đặc thù của Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết 27, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động và đến nay cơ bản bám sát tiến độ, kế hoạch đề ra.
Về việc kiểm soát quyền lực, vấn đề tham gia giám sát của nhân dân trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, việc góp ý của nhân dân, của các cơ quan, đã có cơ chế tương đối ổn định trong pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi công bố các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên các cổng thông tin, thì chưa nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân.