Những hình khắc nơi bãi đá cổ Sa Pa
Trên miền đất Sa Pa nơi địa đầu Tổ Quốc, giữa bạt ngàn mây núi ẩn hiện trong sương, người dân thung lũng Mường Hoa vẫn truyền tai nhau lời kể của tổ tiên về bãi đá cổ huyền bí nơi xứ sở sương mù.
Từ thời xa xưa, những câu chuyện thần thoại về lời nguyền khắc trên bãi đá đã được truyền tai bởi các già làng trong bản, rằng “Nếu con cháu không tế thần núi rừng vào các dịp lễ thì sẽ bị trừng phạt”. Các tập tục cưới hỏi, ma chay của người Mông và người Dao Đỏ địa phương đều liên quan đến lời nguyền này. Tuy nhiên, thực hư của câu chuyện này đến nay vẫn là dấu hỏi lớn đối với các nhà khoa học.
Bãi đá cổ Sa Pa hấp dẫn lòng những du khách tới đây
Bãi đá cổ Sa Pa là khu di tích trải rộng tám ki-lô-mét vuông với gần hai trăm khối đá kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925 trong thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ Sa Pa ngày nay thuộc địa phận ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Hơn 80 năm qua, bãi đá cổ Sa Pa vẫn thu hút hàng trăm nhà khoa học và khảo cổ trong và ngoài nước đến tìm kiếm câu trả lời cho những hình khắc bí ẩn trên phiến đá.
Những viên đá đủ mọi hình thù kích cỡ nằm nép mình bên dòng suối Hoa trong vắt. Trên bề mặt những phiến đá đen nhám, xù xì, hình khắc biểu tượng mặt trời, vòng tròn méo, hình sao sáu cánh hay hình bánh xe bát quái và các kí tự kì lạ hiện lên rõ nét. Du khách đến đây vô cùng thích thú khi phát hiện ra các hình khắc với kích cỡ và độ nông sâu khác nhau trên mỗi bãi đá. Tại Hầu Thào, các viên đá riêng lẻ tập trung tại hai khu vực. Tại bản Pho của người Mông, những phiến đã tập trung không nhiều nhưng là những khối đá lớn nhất có chiều dài lên tới mười hai mét. Với những hình khắc dày đặc và vô cùng đa dạng, bãi đá ở bản Pho được người dân bản xứ gọi là "quyển sách lớn nhất của tổ tiên để lại”.
Đi dọc con đường chính đến bản làng của người Dao Đỏ giáp ranh giữa hai xã Hầu Thào và Lao Chải, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước bãi đá rộng lớn với trên một trăm khối đá xếp xen kẽ nhau. Không chỉ kỳ vĩ và đồ sộ, bãi đá này còn ẩn chứa những hình khắc độc bản chỉ xuất hiện duy nhất một lần. Chẳng thế mà khu đá này mang tên “Thư viện trời”.
Nổi bật trên bức chạm đá là hình khắc tượng trưng cho mặt trời. Bao quanh trời đất là hai dải hình song song không khép kín, chạy dài liên tục từ hướng Tây Bắc đến Đông Nam. Dường như từ mấy ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã chạm khắc mô hình vũ trụ vào đá cổ Sa Pa, khẳng định cả mặt trời và trái đất đều là khối cầu tròn và đang quay. Sự chuyển động biểu hiện qua hình xoáy ốc từ tâm ra ngoài thật độc đáo biểu trưng cho sức mạnh nội lực của tinh cầu.
Ở vòng xoáy ốc cuối cùng, xuất hiện biểu tượng một nhánh cây tượng trưng cho sự sống. Nhánh cây có hai chòm lá ngả về phía Đông hướng đến mùa xuân, đúng với triết lý Âm Dương Ngũ Hành. Bên cạnh trái đất tròn là một hình vuông nhỏ. Theo một số tài liệu lịch sử và dân tộc học, các biểu tượng chạm khắc trên bãi đá cổ Sa Pa phân theo một số nhóm chính như hình tượng các đôi nam nữ, hình tròn cấu trúc thời kỳ văn hóa Hoa Lộc và các đường vạch của quẻ Kinh Dịch. Phong phú và đa dạng, nhưng tất cả những hình khắc đều rất rõ ràng, khúc triết, thể hiện thời kỳ nguyên sơ khi con người còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
Đá cổ có hình khắc ở Sa Pa
Phần lớn các nhà khoa học cho rằng, bãi đá cổ Sa Pa được hình thành bởi các tộc người khác nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử. Căn cứ vào quá trình định cư của người Tày và người Mông ở Sa Pa ba trăm đến chín trăm năm về trước, các nhà khoa học cho rằng những hình khắc đã ra đời trong thời điểm này. Do đó, hình vẽ thường biểu đạt những sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống hàng ngày như nhà cửa, ruộng vườn và các nghi lễ cúng bái. Hầu hết hình khắc trên bãi đá đều là những hình tượng độc đáo lý giải sự khởi nguyên và tính tuần hoàn của vũ trụ. Toàn bộ bức họa trên đá là nguyên lý vận động vĩ mô có tính chu kỳ của vũ trụ từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc.
Tháng 10 năm 1994, bãi đá cổ Sa Pa được Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đang đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Không chỉ truyền tải vẻ đẹp nguyên sơ của văn hóa người việt cổ, bãi đá cổ còn minh chứng cho nhận định “Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại”.