Ngân hàng Bảo Việt cho vay vượt 6 lần mức được phép
Ngân hàng TMCP Bảo Việt được Ngân hàng Nhà nước giao mức tăng trưởng tối đa cho phép là 5,5%, nhưng lại thực hiện 31,82%.
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa gửi Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022. Theo đó, năm 2022, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Theo đánh giá của KTNN, năm 2021, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84%, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối... Các ngân hàng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.
Tuy nhiên, KTNN lưu ý với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung (lĩnh vực bất động sản 15,37%, lĩnh vực chứng khoán 23,85%, lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp 17,65%).
Tỉ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra việc chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Đáng chú ý, một số TCTD tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN. Cụ thể, vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm là Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48 %, thực hiện 15,67%); Ngân hàng TMCP Bảo Việt (được giao 5,5%, thực hiện 31,82%). Vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm là Ngân hàng TMCP Phương Đông (tại 31-7-2021, 31-8-2021, 30-9-2021, 31-10-2021).
Như vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Ngân hàng Bảo Việt vượt mức tăng trưởng cho phép lớn nhất, khoảng 6 lần. Tuy nhiên, trên website chính thức, Bảo Việt (BAOVIET Bank) công bố báo cáo tài chính kiểm toán với kế hoạch tín dụng tăng hơn 30% đã được ban lãnh đạo dự định ngay từ đầu năm.
Đến năm 2022, ngân hàng không nhấn nhiều đến chỉ số này, giảm dự phòng rủi ro, lợi nhuận hoạt động cho vay giảm,...Cụ thể, ngân hàng Bảo Việt cho biết, với hầu hết các mảng kinh doanh đều có lãi, lợi nhuận tăng 10,5%. Chất lượng tài sản của ngân hàng cải thiện rõ rệt khi nợ xấu giảm mạnh. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cho thấy, dịch vụ là mảng kinh doanh ấn tượng nhất của BAOVIET Bank với mức tăng trưởng 37,6% so với năm 2021.
Trong năm, cho vay khách hàng của ngân hàng tăng trưởng tốt song thu nhập lãi thuần lại giảm, một trong những nguyên nhân là năm 2022, BAOVIET Bank tích cực thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng nên thu nhập về hoạt động cho vay có giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cũng giống như đại đa số ngân hàng khác, năm 2022, BAOVIET Bank lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán – chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Tuy vậy, các hoạt động kinh doanh khác lại có mức tăng trưởng đột phá. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 32,5 tỷ đồng, tăng 206%. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng gấp đôi, đạt 84 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của BAOVIET Bank đạt 1.394 tỷ đồng, xấp xỉ năm ngoái. Nhờ nợ xấu được kiểm soát tốt, ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2022, BAOVIET Bank trích lập dự phòng rủi ro 562 tỷ đồng, giảm 19,1% so với năm trước. Sau trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 90,2 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước.
Tại thời điểm 31/12/2022, nợ xấu ngân hàng là 2,09%, giảm mạnh từ mức 2,63% cuối năm 2021. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 78.270 tỷ đồng, tăng gần 20%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 10,12%. Chỉ số LDR của ngân hàng (cho vay/huy động thuần) cuối năm 2022 là 76,6%, thanh khoản dồi dào, tạo dư địa cho triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.