Ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp Đại uý, kỹ sư Phạm Gia Nghi cũng như bao người dân nhớ đến giây phút hạnh phúc khi là nhân chứng lịch sử vẻ vang năm ấy.
Chiều ngày 07 tháng 10 năm 1954, ông bếp Nghĩa đi xe đạp từ Hà Nội tìm đến nhà bà Hưng ở Nông Ếch, Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ, báo tin:
- Cụ Hạnh ốm nặng, sức yếu lắm, như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Hôm qua, cả nhà quyết định cử tôi tìm đường ra vùng kháng chiến này đón ông bà và các cháu về ngay gặp Cụ.
Bà Hưng quá bất ngờ, nghẹn ngào nói với ông bếp Nghĩa:
- Ông lên tận đây đón thì mẹ tôi nguy cấp rồi, tôi phải thu xếp về ngay. Nhưng ông Bái nhà tôi lại đang đi làm công tác trao trả tù binh Pháp ở Trung Giã, nên tôi chỉ đưa cháu Phúc Tâm cùng về thôi. Ba cháu Phúc Minh, Phúc Thanh, Phúc Bình phải ở lại, đợi bố Bái các cháu về rồi đi sau.
- Vâng! Ông Nghĩa đáp lời.
Cô Tô Thị Lộc, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Thanh Vân biết tin bà Hưng có người nhà ra đón về Hà Nội, cô mừng quá, tìm đến nhà bà Hưng ngỏ lời cùng đi.
Sớm hôm sau, bà Hưng đưa cho Phúc Minh tiền đong gạo, mua thức ăn của ba anh em trong một tháng, rồi lấy ra “cái địu” vải diềm bâu màu xanh do bà tự khâu để địu Phúc Tâm trên đường đi. Hành lý mang theo bà giao cả cho ông bếp Nghĩa để vào một tay nải khoác trên vai. Cô giáo Lộc đến, cũng khoác trên vai một tay nải nhẹ. Ông bếp Nghĩa để lại chiếc xe đạp để đi bộ cùng mọi người. Bà Hưng địu Phúc Tâm lên lưng rồi dặn lại ba con trai:
- Mẹ đi khoảng một tháng, bà ngoại đỡ là mẹ về ngay. Ba anh em ở nhà chăm sóc nhau thật tốt nhé.
- Vâng ạ. Ba anh em cùng trả lời mẹ.
Bà Hưng đi nhanh ra khỏi nhà, không giám quay đầu nhìn lại các con, sợ rằng không kìm được nước mắt.
Đi hết phố Thanh Cù, bắt đầu rẽ ra đường đi Vũ Ẻn mọi người gặp xe ngựa chở người chạy qua, liền gọi đi nhờ được ra Vũ Ẻn. Đến Vũ Ẻn, mọi người nhanh chóng xuống xe, xuống bến đò dọc.
Bà Hưng tìm lên được con đò dọc của đôi vợ chồng trẻ, vói một chủ hàng và hai thanh niên chuyên bốc vác hàng hoá, kéo đò khi ngược dòng sông Hồng. Sắp xếp, ổn định chỗ nghỉ ngơi trên đò xong, nhà đò mời mọi người dùng cơm tối, có cá Lăng sông Hồng kho, rau muống luộc và rau cải nấu canh tôm khô. Xong bữa, mọi người đi ngủ sớm để hôm sau còn đi tiếp về Hà Nội. Con đò đêm xuôi theo sông Hồng, được cánh buồm mũi, cánh buồm giữa và cánh buồm đuôi cùng đón gió, đò lướt nhanh trên sông. Đang mùa Thu mát mẻ, nên mọi người được một đêm ngủ ngon lành. Sáng ra, đò cập bến phía Nam Trung Hà. Bà Hưng cám ơn chủ đò, rồi địu Phúc Tâm trên lưng, dẫn cả nhóm đi ra đường nhựa. Trên đường, có rất đông bộ đội đang lên xe ô tô, bà Hưng đến gần tìm sự giúp đỡ. Một anh bộ đội, có lẽ là chỉ huy đơn vị nhìn thấy dáng vẻ lếch thếch, vội vã của bà Hưng và cả nhóm, anh liền bước tới hỏi bà Hưng:
- Nhà mình từ đâu về và định đi đâu bây giờ?
Bà Hưng kể lại tình cảnh:
- Tôi là người Hà Nội, ra kháng chiến. Vợ chồng tôi công tác ở Ty Công an tỉnh Phú Thọ. Được ông người nhà từ Hà Nội ra báo tin là mẹ tôi ở Lãn Ông Hà Nội đang ốm rất nặng, phải về gặp cụ gấp. Bà Hưng lại phía sau:
- Còn đây là cô giáo Lộc, Hiệu Trường trường Tiểu học Thanh Vân, Thanh Ba, Phú Thọ, cô cũng là người Hà Nội ra kháng chiến, tìm về gia đình ở dốc Hàng Than.
Anh bộ đội nói với bà Hưng và các chiến sỹ của mình:
- Hôm nay, chỉ có xe ô tô đưa bộ đội vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, không có xe ô tô khách chạy như mọi ngày. Vì thế, mời chị và gia đình lên chiếc xe ô tô chạy cuối đoàn, cùng bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô.
Các anh bộ đội sắp xếp cho Bà Hưng, bé Phúc Tâm ngồi trên buồng lái, còn ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc ngồi trên thùng xe cùng bộ đội. Dọc đường, các anh bộ đội hát vang bài ca “Tiến về Hà Nội” rất hùng tráng. Bà Hưng nhìn sang hai bên đường, ngắm rừng người hớn hở vẫy cờ, hoa chào đón, bà thấy sung sướng, tự hào quá. Mắt bà nhoà nước mắt, bà khóc trong niềm hạnh phúc quá lớn.
Đoàn xe chạy vào Hà Nội, dừng lại ở khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ để bộ đội vào tiếp quản Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) và các vị trí quan trọng quanh Hồ Hoàn Kiếm. Bà Hưng địu bé Phúc Tâm xuống xe, ngắm lại Bắc Bộ Phủ, nơi ngày 19 tháng 8 năm 1945 bà đã cùng chồng và hàng vạn người dân Hà Nội, sục sôi khí thế cách mạng đã biểu tình thị uy, công kênh nhau trèo vào bên trong, chiếm Bắc Bộ phủ, góp phần mang đến thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Bà nén xúc động, quay lại nói lời chia tay với các anh bộ đội:
- Tôi xin cám ơn tất cả các anh bộ đội, mong các anh khoẻ mạnh, tiếp quản Thủ đô thật tốt đẹp. Chúng tôi xin phép đi tiếp về gia đình.
Các anh bộ đội vui vẻ chào:
- Chúc chị cùng mọi người vui vẻ, mạnh khoẻ và may mắn.
Bà Hưng, ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc đi ra bờ hồ, qua Đền Ngọc Sơn, rẽ vào Hàng Đào, Hàng Ngang, đến đầu phố Lãn Ông thì chia tay cô giáo Lộc. Bà Hưng tháo địu ra, dắt bé Phúc Tâm, cùng ông bếp Nghĩa đi về 54 Lãn Ông. Đó là ngôi nhà ba tầng, mặt tiền rộng khoảng 5 mét, phía trên, trước cửa nhà treo tấm biển “Nhà thuốc gia truyền Hạnh Xuân Đường”. Bà Hưng dắt Phúc Tâm đi thẳng vào cửa chính, vờ như khách vào cắt thuốc. Chị Trần Hồng, con gái lớn của ông bà Hai đang ngồi trên chiếc ghế cao sau quầy thuốc, ngẩng lên nhận ra bà Hưng và ông bếp Nghĩa thì kêu to:
- Cô Hưng về rồi, cô về rồi, …ồ ... i. Bà ơi, bố mẹ ơi.
Chị chạy ra ôm chặt lấy bà Hưng và em bé gái. Ông bà Hai từ tầng trên chạy vội xuống, còn cụ Hạnh nằm nghỉ ở phòng trong, cũng lên tiếng yếu ớt:
- Cô Hưng, cô Hưng về rồi ư?
Bà Hưng vội vàng đáp lời mẹ:
- Vâng, mẹ ơi! Con về đây rồi.
Bà Hưng kéo bé Phúc Tâm chạy vào phòng cụ Hạnh. Cụ Hạnh đã tám mươi tuổi, cụ ốm chỉ vì tuổi cao. Cụ nằm trên chiếc giường bằng gỗ tự nhiên chắc chắn, có màu nâu trầm ấm. Trên giường giải bộ ga, đệm màu xanh lam. Cụ nằm thẳng, đầu được kê cao trên hai chiếc gối cùng màu với màu ga đệm. Mái tóc cụ đã bạc phơ mà khuôn mặt vẫn hồng hào, phúc hậu. Cặp mắt cụ vẫn tinh nhanh, đang liếc tìm con, tìm cháu mới về. Bà Hưng đặt Phúc Tâm lên giường rồi xà vào ôm lấy mẹ:
- Mẹ ơi! Con gái mẹ và cháu Phúc Tâm về đây rồi.
Cụ Hạnh cười vui mà mắt trào lệ, cụ dơ hai tay đón bà Hưng đang ngả người xuống bên cạnh cụ và cháu Phúc Tâm đang bò đến bên cụ:
- Ừ! Mẹ mừng lắm, con gái út ít của mẹ, cháu gái yêu quý, bé bỏng của bà. Được gặp con, gặp cháu là mẹ toại nguyện rồi.
Lúc này, ông bà Hai và bốn người con là anh Trần Phàn, Trần Hinh, chị Trần Hồng, Trần Diệp cùng ông bếp Nghĩa đã đứng vây xung quanh giường cụ Hạnh, mừng vui mà mắt ai cũng ngấn lệ.
Bà Hai bảo chị Trần Diệp sang báo tin cho anh Trần Chất ở 79 phố Hàng Bồ, rồi sang báo tin cho các bà Vạn Thọ, Hồng Hưng và Vĩnh Phát cùng ở phố Lãn Ông. Mọi người đều mừng rỡ, đi ngay sang gặp bà Hưng và cháu Phúc Tâm.
Cả nhà mừng vui xum vầy, có biết bao câu hỏi bà Hưng phải trả lời và biết bao câu chuyện bà Hưng phải kể. Chuyện mãi, không rứt ra được. Ông Hai phải lên tiếng:
- Chuyện còn nhiều lắm, nhưng cô Hưng vừa đi xa về, hãy để cô nghỉ ngơi. Ông bếp Nghĩa chuẩn bị “bữa cơm chiều ngon ngon”, để cả nhà mình mừng cô Hưng và cháu Phúc Tâm đã cùng đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô.
Chỉ một loáng, ông bếp Nghĩa đã làm xong “bữa cơm chiều ngon ngon”. Ông mời cả nhà vào phòng ăn, ngồi quanh một bàn tròn to. Trên bàn đã bày các món ăn ngon như: thịt quay, giò lụa, chả quế, nem rán, su hào xào trứng, miến nấu tôm tươi. Anh Trần Phàn mở chai sâm banh, rót mỗi người một ly rồi cùng nâng cốc chúc mừng bà Hưng sau tám năm rời Hà Nội ra kháng chiến đã trở về.
Sáng ngày 10 tháng 10 năm 1954, bà Hưng cùng chị Trần Diệp và bé Phúc Tâm đi bộ ra Hàng Đào, hoà vào dòng người vẫy cờ, hoa đón chào đoàn xe cơ giới vào “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Uỷ ban Quân Quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu. Đoàn xe đi qua Bờ Hồ vào đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, vườn hoa Hàng Đậu, vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc. Được chứng kiến khoảnh khắc ấy, bà Hưng thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc và rất đỗi tự hào vì có những năm tháng tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến. Bé Phúc Tâm thì vui thích quá, hò reo, vẫy cờ hoa liên tục.
Chiều ngày 10 tháng 10 năm 1954, hàng vạn quân và dân Thủ đô Hà Nội đổ về dự lễ thượng cờ do Uỷ ban Quân Chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Bà Hưng cùng Trần Diệp và bé Phúc Tâm đến vườn hoa Chi Lăng (công viên Lê nin ngày nay) để nhìn ngắm là cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau tám năm lại được kéo lên trên Cột cờ Hà Nội và qua loa truyền thanh, lắng nghe Chủ tịch Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Thật may mắn và hạnh phúc, trong lần trở về Hà Nội này, bà Hưng được chứng kiến những giây phút hào hùng của Thủ đô Hà Nội được giải phóng.