Góp ý Nghị định chi tiết Luật Dầu khí
Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thay thế Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14).
Nhiều điều khoản của Luật Dầu khí năm 2022 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều, khoản của Luật Dầu khí năm 2022.
Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022 (thay thế Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ ban hành Hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí) là cần thiết và cấp thiết để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí liên tục, ổn định.
Dự thảo Nghị định gồm 11 chương, 68 điều (so với Nghị định số 95/2015/NĐ-CP gồm 8 chương, 87 điều và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP gồm 3 điều và Phụ lục Hợp đồng mẫu của Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí).
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.
Luật Dầu khí năm 2022 có một số điểm mới chính như sau:
- Bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí (từ Điều 10 đến Điều 14, Chương II).
- Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV).
- Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan (từ Điều 42 đến Điều 52, Chương V).
- Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí (Điều 42, Chương V).
- Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí (các Điều 53 và 54, Chương VI).
- Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước (Điều 41, Chương IV và Điều 55, Chương VI).
- Bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (các Điều 56 và 57, Chương VII).
- Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí (các Điều tại Chương V); phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát (Điều 63, Chương IX).
- Quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu (từ Điều 60 đến Điều 64, Chương IX).
- Chính sách quy định về việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư (Điều 5, Chương II; các Điều 58 và 59, Chương VIII).