Giá vàng "vượt mốc" kỷ lục khi lần thứ 3 huỷ thầu
Giá vàng trong nước leo thang chóng mặt mỗi khi có phiên đấu thầu, bất chấp xu hướng giảm giá trên thị trường thế giới. Phiên giao dịch ngày 3/5 một lần nữa chứng kiến cảnh tượng tương tự, khi giá vàng miếng SJC lập kỷ lục mới trong bối cảnh phiên đấu thầu vàng diễn ra cùng ngày bị huỷ bỏ.
Sau thông báo hủy phiên đấu thầu vàng 3/5, thị trường vàng trong nước chứng kiến một cơn địa chấn về giá. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC liên tục điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC, với mức tăng tổng cộng lên tới 700.000 đồng so với đầu giờ sáng cùng ngày. Hiện tại, giá mua vào đã chạm mốc 83,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra vọt lên 85,8 triệu đồng mỗi lượng.
Tương tự, Công ty Phú Quý cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá chóng mặt này. Chỉ trong một buổi sáng, giá vàng tại đây đã tăng thêm 800.000 đồng mỗi lượng, với giá mua vào và bán ra lần lượt là 83,5 triệu đồng và 85,8 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng không kém cạnh khi đẩy giá vàng miếng SJC lên thêm 850.000 đồng mỗi lượng, niêm yết giá mua vào 83,6 triệu đồng và giá bán ra 85,7 triệu đồng.
Đáng chú ý, mức giá vàng miếng hiện tại đang ở mức cao nhất trong lịch sử, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Tuy nhiên, trong khi vàng miếng SJC tăng phi mã, thì giá vàng nhẫn lại chỉ tăng nhẹ từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng. Cụ thể, Công ty Bảo Tín Minh Châu ghi nhận giá mua vào là 73,58 triệu đồng và giá bán ra là 75,28 triệu đồng. Tập đoàn Doji niêm yết giá mua vào 73,65 triệu đồng và giá bán ra 75,25 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty SJC mua vào với giá 73,1 triệu đồng và bán ra ở mức 74,8 triệu đồng.
Giá vàng trong nước tăng ngược chiều so với giá thế giới. Kim loại quý trên thị trường quốc tế giảm 7 USD/ounce, xuống còn 2.299 USD/ounce. So với mức đỉnh đạt được hồi giữa tháng 4, giá vàng quốc tế hiện nay thấp hơn 130 USD/ounce, thế nhưng giá vàng miếng SJC lại xác lập mức cao mới khi tiến sát mức 86 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 4,6 triệu đồng/lượng.
Sáng 3/5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng, giá tính đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Đến trưa cùng ngày, nhà điều hành công bố hủy phiên đấu thầu vì chỉ có 1 đơn vị nộp thầu. Diễn biến này gần như lặp lại những gì đã xảy ra ở 3 phiên đấu thầu trước đó. Cụ thể, trong 3 phiên gọi thầu trước, chỉ có phiên ngày 23/4 được diễn ra với 2 đơn vị trúng thầu tổng cộng 3.400 lượng vàng miếng, 2 phiên còn lại đều thất bại do không đủ số lượng thành viên tham gia.
Theo NHNN, có 6 đơn vị tham gia đấu thầu ngày 3.5, ít hơn so với những phiên trước đó khi một số đơn vị nhận được thông tin đấu thầu vàng trễ nên không kịp đặt cọc. Được biết, mức giá chào thầu là 83,92 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vào của các đơn vị trên thị trường cùng thời điểm khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, dù có diễn ra hay không thì sau khi NHNN công bố kết quả, giá vàng miếng trên thị trường đều bật tăng khá mạnh. Điều này khiến khoảng cách giữa vàng SJC và vàng thế giới liên tục giãn rộng, hiện đã lên tới 15 triệu đồng/lượng.
Trước đó, khi giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC liên tục tăng giá và bỏ xa giá vàng thế giới lên tới 17-18 triệu đồng/lượng, nguồn cung khan hiếm, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành và NHNN triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới. NHNN sau đó đã thông báo tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng sau 11 năm gián đoạn, mục đích là để tăng nguồn cung vàng ra thị trường.
Sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và thông báo về việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của NHNN, giá vàng miếng đã liên tục hạ nhiệt và thu hẹp chênh lệch với giá thế giới xuống chỉ còn khoảng 9-10 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi các phiên đấu thầu được tổ chức nhưng hầu hết thất bại hoặc bị ế, giá vàng SJC lại liên tục lập kỷ lục mới, đồng thời nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới.