EVN thêm khoản thu khủng
Ngày 9/8 tới đây, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3, mã: PGV) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 14,5%. Trong khi, EVN nắm giữ tới 99,2% vốn, tương ứng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV.
Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3, mã: PGV) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua triển khai phương án chi trả cổ tức còn lại 2022. Ngày đăng ký cuối cùng là 8/9/2023 và ngày thanh toán cổ tức dự kiến vào 5/10/2023.
Với tỷ lệ cổ tức bằng tiền là 14,5% EVNGENCO3 sẽ phải chi 1.629 tỷ đồng để thực hiện thanh toán cổ tức đợt này. EVNGENCO3 là công ty con do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm đến 99,2% vốn. Nhờ đó, EVN dự kiến sẽ nhận về khoảng 1.600 tỷ đồng tiền cổ tức đợt này.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận, công ty sẽ chi trả cổ tức 2022 bằng tiền với tỷ lệ 20%. Được biết, hồi giữa tháng 2/2023, EVNGENCO3 đã tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 5,5%. Như vậy, tổng số tiền công ty phải chi trả cho 2 đợt cổ tức 2022 là gần 2.247 tỷ đồng.
Được biết, với tổng công suất 6.565 MW tại công ty mẹ và các đơn vị công ty con, công ty liên kết, EVNGENCO3 hiện là nhà phát điện lớn nhất, nhì trên thị trường không kể EVN, chiếm khoảng 8,4% công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện sản xuất năm 2022 đạt 32,242 tỷ kWh, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện quốc gia.
Về kết quả kinh doanh, quý II/2023, EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu đạt 15.354 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, EVNGENCO3 lãi ròng 1.104 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong vòng 12 quý kể từ quý II/2020. Trên thị trường, ngày 9/8/2023, PGV có giá 29.450 đồng/cổ phiếu.
Còn về phía EVN, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, công ty này ghi nhận khoản lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng, trong khi, năm 2021 lãi 14.725 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm, EVN lỗ lũy kế 13.336 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm gần 10% còn 225.396 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 324.265 tỷ đồng, trong đó 86% là nợ dài hạn.
Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2022, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 101.527 tỷ đồng. Tổng tài sản của EVN đạt 666.165 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm.
Tại hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho tập đoàn này.
Cụ thể, tại tham luận của mình, EVN kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào.
Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tập đoàn này đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đảm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.
Ngoài ra là đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cho phép tập đoàn được tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ chi phí.
Bên cạnh đó, EVN mong muốn Chính phủ và các Bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là "do thực hiện chính sách".