Doanh nghiệp bán xe báo lãi "chóng mặt"
Dù thiếu hụt nguồn cung cho khách hàng về linh kiện hay xe nhập khẩu; thế nhưng doanh nghiệp phân phối ô tô tại Việt Nam vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng 10 - 27 lần so với cùng kỳ.
Xe ô tô là mặt hàng bán chạy bậc nhất
Tại chương trình bí mật đồng tiền ngày 20/7, ông Nguyễn Lý Thanh Lương, chuyên gia phân tích tại SSI Research (CTCP Chứng khoán SSI) chia sẻ rằng hiện nay thu nhập của người dân ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về sở hữu một chiế ôtô cũng tăng theo.
"Con người thường sẽ chia thu nhập của mình ra các khoản mục như chi tiêu cho sinh hoạt, chi tiêu cho nhà hay mua xe. Tuy nhiên, một người bây giờ có thể nhịn ăn để mua được ôtô hay mua được nhà. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại người nào không có ôtô thì cũng sẵn sàng đi vay thêm tiền để sở hữu một chiếc cho riêng mình", ông Lương nói.
Lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng cao trong các tháng đầu năm 2022 do đã có nhiều chính sách kích cầu như giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, kéo dài đến hết tháng 5/2022. Chính sách này không chỉ tăng nhu cầu mua xe của người dân mà còn khiến một số thương hiệu ô tô nhập khẩu phải hạ giá bán hoặc tăng khuyến mại nhằm cạnh tranh.
Cũng dự báo của SSI Research, nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% trong năm 2022. Với mức nền so sánh thấp trong 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103 có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện mới tại Việt Nam dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của VinFast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ 201.840 xe các loại, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xe du lịch đạt 157.935 xe, tăng 50%; xe thương mại 40.498 xe, giảm 5% và xe chuyên dụng là 3.407 xe, tăng 12% so với năm 2021.
Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA)
Có một thực tế là trong thời gian qua, việc sở hữu một chiếc ôtô tại Việt Nam tốn nhiều thời gian hơn trước. Các hãng xe đều thiếu hàng giao cho khách vì tình trạng gián đoạn sản xuất do thiếu hụt linh kiện, Việc này, đã khiến giá thành xe bán ra tại thị trường Việt Nam tăng lên chỉ trong thời gian ngắn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị giá khai báo bình quân (chưa bao gồm thuế, phí liên quan), mỗi mẫu xe ôtô nhập khẩu trong 6 tháng qua tăng khoảng 2.000 USD/xe so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022 giá trị bình quân 24.680 USD/xe, trong khi cùng kỳ 2021 là 22.650 USD/xe.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup (HoSE: VIC) - công ty mẹ của hãng xe VinFast đã chia sẻ vào tháng 5 về tình trạng thiếu linh kiện: "Công ty nhập một số linh kiện Trung Quốc vì nước này là công xưởng của thế giới. Phần chip đang gián đoạn nguồn cung do chính sách Zero Covid của đất nước tỷ dân. Ngoài ra, các nguyên vật liệu cấu thành nên chiếc xe điện của VinFast như ithium, niken, coban, thậm chí những thứ đơn giản graphit cũng rất thiếu".
Sự thiếu hụt chip dự kiến sẽ giảm xuống trong suốt năm 2022 nhưng có thể kéo dài đến nửa cuối năm 2023. Trong các yếu tố gây nên nguyên nhân thiếu hụt thì đại dịch COVID-19 là tác nhân chủ yếu dẫn đến việc làm trì trệ nền kinh tế sản xuất. Khi đại dịch bắt đầu, các nhà sản xuất ô tô đã đóng cửa các nhà máy và tạm ngừng sản xuất xe. Trong khi đó, việc cách ly cộng đồng và làm việc/học online đã khiến nhu cầu tăng vọt về các thiết bị điện tử.
Nhiều người mua tivi, máy tính, điện thoại thông minh…đồng nghĩa với việc nhu cầu về chip nhiều hơn. Các nhà sản xuất chip bắt đầu cung cấp thêm chip để đáp ứng nhu cầu và chuyển sang tập trung sản xuất nhiều hơn các loại chip mới, mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Khi các nhà sản xuất ô tô mở cửa trở lại các nhà máy và bắt đầu tăng cường sản xuất, các nhà sản xuất chip sẽ không thể cung cấp đủ chip cho họ, vì chúng đều được ưu tiên cho các công ty điện tử. Thêm vào đó, các nhà sản xuất chip đã không sản xuất nhiều chip legacy và hầu hết các xe ô tô chưa được thiết kế để ứng dụng các loại chip tiên tiến hơn.
Ngành công nghiệp điện tử sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho chip và đầu tư vào các hợp đồng mua chip thế hệ mới với số lượng lớn. Điều này dẫn đến việc các nhà sản xuất chip không “mặn mà” với việc quay trở lại sản xuất các loại legacy chip ít lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất ô tô do sẽ gây cản trở khả năng thỏa mãn hợp đồng với các công ty trong ngành công nghiệp điện tử.
Lãnh đạo của Tập đoàn Thành Công (TC Group) - đơn vị phân phối xe Hyundai tại Việt Nam chia sẻ rằng tình trạng thiếu hụt linh kiện diễn ra trên tất cả các sản phẩm Hyundai tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip vẫn chưa được khắc phục trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cũng do tác động từ các diễn biến tiêu cực của tình hình dịch bệnh Covid-19 và chính trị tại một vài khu vực. Hoạt động sản xuất tại nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế khách hàng.
Trước sự thiếu hụt trầm trọng về linh kiện để sản xuất xe, những tưởng ngành ôtô Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà phân phối xe trong nước lại đang đưa ra những con số tiêu thụ xe khả quan trong nửa đầu năm.
Còn theo số liệu của TC Group, trong 6 tháng đầu năm, đã có 36.397 xe mang thương hiệu Hyundai đến tay khách hàng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả 3 đơn vị bao gồm VinFast, TC Group và các doanh nghiệp thuộc VAMA, tổng số ôtô đã bán ra là 252.932 xe, tăng 36,3%.
Trong nửa đầu năm, dù thiếu hụt linh kiện nhưng thị trường Việt Nam cũng đã có nhiều thuận lợi để ngành ôtô phát triển. Đầu tiên phải nói đến là việc Chính phủ đã ban hành nghị định số 103/2021 ngày 26/11/2021 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô có hiệu lực đến tháng 5 giúp người dân dễ tiếp cận với loại tài sản được xem là đắt tại Việt Nam hơn và cũng đòn bẩy giúp các hãng xe ôtô gia tăng sản lượng cũng như doanh thu.
Lợi nhuận các công ty kinh doanh xe tăng hàng chục lần
CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - HoSE: HAX) - đơn vị phân phối xe Mercedes-Benz tại Việt Nam đã ghi nhận doanh thu thuần tăng 23,6% lên 1.545,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của đơn vị này đạt 80,6 tỷ đồng, gấp gần 14 lần thực hiện quý II/2021. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 1.627 đồng, cùng kỳ 155 đồng.
Lũy kế 6 tháng, Haxaco ghi nhận doanh thu thuần tăng 19,4% lên 3.06,9 tỷ đồng. Trong đó hoạt động kinh doanh xe chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu với 92,7%, trị giá 2.972,5 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 120,3% lên gần 135 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 2.723 đồng, cùng kỳ 1.631 đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh tăng mạnh trong quý II, đơn vị cho biết là nhờ một số yếu tố. Cụ thể, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô chính là đòn bẩy giúp Haxaco tăng cơ hội bán hàng, theo đó gia tăng biên lợi nhuận. Việc thiếu chip toàn cầu của ngành xe hơi nói chung đã làm nguồn cung hạn chế, đồng thời nhu cầu xe sang tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy lợi nhuận của nhà phân phối Mercedes-Benz Haxaco tăng mạnh.
Ngoài ra, Haxaco tiếp tục nhận được ưu đãi lãi suất từ các ngân hàng liên kết đi kèm việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả đã giúp chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các chiến dịch quảng cáo trực tuyến liên tục được đẩy mạnh, giúp thương hiệu Mercedes-Benz của đại lý Haxao tiếp cận đến các khách hàng tiềm năng.
Một doanh nghiệp phân phối ôtô khác trên sàn chứng khóan là City Auto (HoSE: CTF) - đơn vị phân phối Ford tại Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận tăng cao. Cụ thể, doanh thu thuần của đơn vị này đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán là 1.472 tỷ đồng, tăng 15% giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên 7,5% so với 6% quý II/2021. Kết quả, City Auto đạt lợi nhuận sau thuế 23,8 tỷ đồng, gấp 27 lần so với cùng kỳ.
City Auto cũng cho rằng Nghị định số 103/2021 của Chính Phủ đã giúp doanh thu của City Auto được đẩy mạnh. Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu 2.564 tỷ đồng và lãi sau thuế 38,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,7% và 128% so với cùng kỳ.
Theo dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng xe sản xuất trên toàn cầu ước tính sẽ giảm trung bình 4% trong năm 2022, do tình trạng thiếu cung chip dự kiến tiếp diễn đến cho đến nửa cuối năm 2022. Nhiều công ty ô tô đã tăng giá bán mẫu xe mới trong 2021 và việc này sẽ có tác động rõ ràng tới thị trường ô tô trong 2022.
Cả nhà sản xuất ô tô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn này và lợi nhuận các doanh nghiệp này có thể tăng trưởng mạnh. Hơn thế nữa, việc dừng sản xuất xe xăng của VinFast - doanh nghiệp chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, để tập trung vào xe điện sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu.