Điện gió 'kêu cứu'
Dù đã hòa lưới lên hệ thống điện quốc gia nhưng các nhà đầu tư dự án điện gió như ngồi trên lửa khi đứng trước nguy cơ phá sản cận kề, mòn mỏi chờ cơ chế.
Trong đơn kiến nghị lần hai vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật cho hay dự án đang đứng trước nhiều khó khăn khi phải dừng hoạt động, doanh nghiệp rơi vào tình trạng bất ổn, nguy cơ phá sản cận kề.
Được biết, 4 dự án điện gió nêu trên xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31/10/2021. Đồng thời, các dự án này đã có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, cho tới nay, 4 nhà máy chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Nguyên nhân là do tác động của những yếu tố khách quan như dịch COVID-19, thời tiết bất thường khiến cho việc thử nghiệm kỹ thuật (là khâu cuối trong quy trình công nhận vận hành thương mại (COD) đã không kịp thực hiện trước ngày 31-10-2021 để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.
"Việc không hoàn thành thử nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo trì, bảo dưỡng. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị được đóng điện hòa lưới trở lại để hoàn thiện quy trình thử nghiệm nội bộ. Dù vậy, phải chờ cơ chế hướng dẫn mới, nhà máy vẫn chưa được vận hành khiến các thiết bị kỹ thuật, tuabin bị hư hại, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, tranh chấp", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Đại diện một doanh nghiệp cũng cho rằng các quy định về thử nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khách quan như thời tiết, con người, nên cần áp dụng một cách linh hoạt trước hoặc sau COD. Trong trường hợp dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, có chứng nhận nghiệm thu công trình, đáp ứng đầy đủ điều kiện về xây dựng.
"Việc áp dụng linh hoạt trước hoặc sau COD mà không làm ảnh hưởng tới khả năng vận hành của nhà máy, thay vì áp dụng cứng nhắc như hiện nay, làm giảm tính minh bạch, tăng rủi ro cho nhà đầu tư" - một doanh nghiệp cho hay.
Còn theo một đại diện của EVN, để vận hành thương mại doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các tiêu chí, trong đó có khâu thử nghiệm kỹ thuật, đảm bảo độ tin cậy. Do đó, trường hợp chưa thực hiện được thử nghiệm nên không thể công nhận COD.
Chính vì vậy, từ ngày 1/11/2021 cho tới nay, tất cả các nhà máy phải dừng hoạt động, hư hỏng thiết bị. Hàng nghìn tỷ đồng đọng các dự án "đắp chiếu", gây lãng phí và thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, khi quyết định 39 đã hết hiệu lực, nên các cơ chế cho các dự án điện gió vận hành sau thời điểm tháng 31/10/2021 phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương. Nhưng trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị cho biết, từ tháng 11 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới về cơ chế giá sau khi giá FIT hết hạn.
Ngày 30/1/2022, chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo phía Nam cho biết văn bản báo cáo số 17 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp đã "khép lại" các kiến nghị gia hạn giá FIT từ trước đến nay của giới đầu tư và các địa phương. Theo đó, các nhà đầu tư về đích chậm buộc phải chấp nhận chờ cơ chế mới để bán điện với giá bán thấp hơn giá FIT ưu đãi.
Cụ thể, báo cáo số 17 của Bộ Công thương cho hay riêng các dự án điện gió đã có 146 dự án ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với tổng công suất hơn 8.000MW, song chỉ mới 84 dự án đã bán điện với công suất gần 4.000MW, trong đó có tới 15 dự án chỉ mới vận hành thương mại một phần dự án với công suất hơn 300MW, còn đến hơn 1.000MW chưa kịp bán điện theo giá FIT.
Bộ Công thương nhận định nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nằm trong quy hoạch, đã và đang triển khai đầu tư nhưng do nhiều nguyên nhân nên không kịp mốc thời gian được áp dụng cơ chế mua bán điện cố định (giá FIT) như các quyết định 39 về điện gió và 13 về điện mặt trời. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay cơ chế giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không phù hợp bởi nhiều lý do.
Trong đó có lý do nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách sẽ xảy ra "hậu quả về pháp lý" và có thể gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.
Sau 5 tháng Quyết định 39 không còn hiệu lực, Bộ Công thương vẫn đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện cho điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Với quan điểm được bộ khẳng định: Việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT không còn phù hợp, cần có cơ chế mới, nên nhiều khả năng các dự án này đều sẽ không được hưởng ưu đãi giá FIT cũ.
Đối với 4 dự án trên, Bộ Công thương cho biết đã nhận được kiến nghị của doanh nghiệp nhưng đang xem xét để phù hợp với cơ chế chung, trên cơ sở nguyên tắc là để đảm bảo công bằng với các nhà đầu tư, gắn với cơ chế chung, tổng thể đang được xây dựng với những dự án chuyển tiếp.