Chiêm ngưỡng bảo tàng trà Cầu Đất
Tiền thân là một nhà máy trăm tuổi được thiết kế lại, bảo tàng Cầu Đất trở thành điểm du lịch phức hợp nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn dành cho giới trẻ.
Bảo tàng trà Cầu Đất là công trình được thiết kế lại dựa trên nền kiến trúc cũ của Sở trà Cầu Đất trước đây do người Pháp xây dựng từ năm 1929. Cầu Đất là nơi đầu tiên ở Đông Nam Á có sở trà và nhà máy trà lớn nằm trên diện tích 1,2ha vào thời kỳ đó. Hiện điểm đến này thuộc Cầu Đất Farm ở xã Xuân Trường cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25km. Xung quanh bảo tàng là những đồi trà nhấp nhô.
Công trình được thiết kế lại và tân trang trong năm 2020, trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn giới trẻ từ đầu năm 2021. Bảo tàng trà Cầu Đất được giới thiệu bởi tạp chí kiến trúc nổi tiếng Archdaily của Mỹ vào cuối năm ngoái.
Tới đây, bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh quan hùng vĩ cùng những đồi trà nối nhau ngút ngàn. Nhà máy cũ cùng các hiện vật lịch sử được giữ lại và phục vụ cho các triển lãm văn hóa, tạo nên không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt bên cạnh quán cà phê phục vụ cho du khách.
Hiện tại, nơi đây có 5 phòng với các chủ đề khác nhau như: chiếc hộp lịch sử, trưng bày dụng cụ làm trà, nói về người làm trà và nhìn ra ngành trà thế giới. Du khách có thể tận mắt nhìn lại toàn bộ quy trình sản xuất trà ngày xưa cũng như lịch sử ngành trà 100 năm đáng tự hào của Việt Nam ta.
Khu triển lãm dụng cụ làm trà
Với mong muốn lưu lại hết tất cả giá trị lịch sử và dấu vết của thời gian 100 năm hình thành và phát triển ngành trà Việt Nam, tất cả các dụng cụ và dây chuyền sản xuất trà gần như vẹn nguyên được tập trung đầy đủ tại đây.
“Chiếc hộp lịch sử”
Tại phòng số 2, các vật dụng làm trà được bày ra đơn giản mà giàu cảm xúc. Những cỗ máy vươn bụi thời gian mang theo câu chuyện lịch sử của riêng mình, là minh chứng hào hùng nhất cho lịch sử phát triển đầy anh hùng của thức trà cổ Cầu Đất Đà Lạt.
Trà sau khi được chế biến xong sẽ được lưu trữ tại nhà kho khi còn thuộc sở hữu của người Pháp. Ngày nay, các nghệ sĩ đã tận dụng lại chính những ô cửa sổ kho đó để dệt nên câu chuyện của người thợ làm trà cổ. Bên cạnh đó, “Nhìn ra thế giới" là không gian đặc biệt dành cho câu chuyện tương lai, khám phá lịch sử trà của thế giới và cách người Việt làm nên tên tuổi của thức trà dân tộc mình.
Giữ gìn nét xưa
Các khối nhà từ nhà máy cổ được giữ lại mang giá trị thẩm mỹ nhất định và ẩn chứa ý nghĩa riêng, là sợi dây hữu hình liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Khi bước vào bên trong, du khách sẽ có cảm giác như mình cũng là một phần của lịch sử. Chính những kiến trúc cổ này tạo ra cảm giác thân quen.
Không gian phức hợp
Bên ngoài bảo tàng là một quán cà phê và trà nhỏ cho du khách trực tiếp trải nghiệm vị trà đặc sản Đà Lạt hay đơn giản là không gian nghỉ ngơi cho các khách du lịch sau một chuyến tham quan dài. Ở nhà máy này, trà chính là văn hóa, là cuộc sống của mỗi con người và được pha bằng cả tâm huyết của những nghệ nhân chân chính, chứa đầy những câu chuyện kể, tinh hoa, hơi thở của tự nhiên và dòng lịch sử.
Khách tham quan không mất tiền khi vào bảo tàng hay tham quan đồi chè. Tuy vậy, để tăng thêm trải nghiệm hành trình trà (tham quan bảo tàng trà và khu nông trại công nghệ cao), du khách có thể đặt tour trải nghiệm hành trình trà với giá vé 75.000 - 195.000 đồng mỗi người.
Bảo tàng đón khoảng 300 lượt du khách mới mỗi ngày. Tại đây, du khách sẽ hiểu được về lịch sử, con người của vùng đất này, đồng thời sẽ được mãn nhãn trước các dụng cụ, máy móc xưa cũ và các tác phẩm nghệ thuật mô phỏng về trà, các bước làm nên những sản phẩm trà độc đáo. Ở chặng cuối cùng, họ sẽ được thử các loại trà do nghệ nhân pha hay được hướng dẫn làm các loại trà hiện đại mà giới trẻ yêu thích.